Chào bạn,
Quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có đề cập các cơ sở kinh doanh thuộc diện quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã và thuộc diện quản lý của Công an bắt buộc khi thực hiện hoạt động kinh doanh đều phải có phương án phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013) có đề cập một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở; trong phạm vi một cơ sở có thể có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động. Đồng thời, khoản 3 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP) cũng chỉ rõ trách nhiệm xây dựng phương án phòng cháy và phối hợp xây dựng phương án chữa cháy đối với cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động. Cụ thể, người đứng đầu cơ sở phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoạt động bên trong cơ sở xây dựng các tình huống cháy, sự cố, tai nạn đặc trưng đối với các cơ quan, tổ chức hoạt động bên trong cơ sở.
Như vậy, tòa nhà trong trường hợp này là một cơ sở và nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động, khi các đơn vị thuê văn phòng trong một tòa nhà không yêu cầu phải có phương án phòng cháy, chữa cháy riêng cho văn phòng đi thuê nhưng các đơn vị đi thuê hoạt động trong tòa nhà phải có trách nhiệm phối hợp với chủ tòa nhà xây dựng các tình huống cháy, sự cố, tai nạn đặc trưng đối với các cơ quan, tổ chức hoạt động bên trong cơ sở.
Trân trọng!