Hiện nay, các doanh nghiệp đều đang hướng đến một môi trường lao động chuyên nghiệp. Do đó, việc nhân viên đi làm muộn là một việc khó chấp nhận được. Tâm lý người quản lý doanh nghiệp muốn đánh vào thu nhập để người lao động sợ thì mới đi vào nề nếp công ty được. Tuy nhiên, đây là hành vi trái luật.
Theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2012, có 04 hình thức xử lý kỷ luật mà doanh nghiệp được áp dụng đối với người lao động vi phạm nội quy lao động:
- Khiển trách;
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;
- Cách chức;
- Sa thải.
Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà doanh nghiệp sẽ quyết định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.
Đặc biệt lưu ý, chỉ được áp dụng 01 hình thức xử lý kỷ luật đối với 01 hành vi vi phạm; trường hợp cùng lúc có nhiều hành vi vi phạm thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
Đồng thời, tại Điều 128, có 03 hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động:
- Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.
- Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
- Xử lý kỷ luật đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
Căn cứ các quy định này, nếu doanh nghiệp áp dụng hình thức phạt tiền đối với nhân viên đi làm muộn thì được coi là hành vi trái pháp luật.
Và sẽ bị xử phạt heo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Đồng thời, phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động (khoản 12 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP).