Pháp luật Việt Nam: Chậm thực hiện nghĩa vụ do tàu kẹt ở kênh đào Suez phải giải quyết thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #569985 02/04/2021

    jacktran159
    Top 500
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:20/03/2021
    Tổng số bài viết (248)
    Số điểm: 5148
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 238 lần


    Pháp luật Việt Nam: Chậm thực hiện nghĩa vụ do tàu kẹt ở kênh đào Suez phải giải quyết thế nào?

    Vụ kẹt ở kênh đào Suez - Minh họa

    Những ngày vừa qua, câu chuyện kênh đào Suez bị tắc nghẽn do một con tàu khổng lồ bị mắc kẹt làm cả thế giới chú ý. Giả sử việc chậm thực hiện nghĩa vụ do vụ kẹt này gây ra được hai bên chọn giải quyết bằng Pháp luật Việt Nam, người giao hàng trễ có được miễn trừ trách nhiệm? Nếu không chúng ta phải giải quyết như thế nào?

    Để giải quyết trường hợp này, chúng ta cần phân tích vấn đề dưới 2 góc độ: Luật Dân sự và Luật Thương mại

    Trước hết, Khoản 2 Điều 353 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc Chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự như sau:

    “Bên chậm thực hiện nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.”

    Dù việc miễn trừ trách nhiệm có được áp dụng hay không, trước hết người giao hàng phải thông báo về việc không thể thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.

    Vẫn có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

    Sau đó, chúng ta có thể xem xét tới trường hợp Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản quy định tại Điều 420 BLDS:

    Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” là trường hợp hội tụ đủ các yếu tố sau:

    (1) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

    (2) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

    (3) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

    (4) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

    (5) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

    Sau khi xác định đủ 5 yếu tố trên, hai bên có thể đàm phán lại hợp đồng, nếu không thể đi đến thống nhất, sẽ có hai phương án để yêu cầu Tòa án giải quyết:

    - Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

    - Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

    Nếu việc đòi bồi thường xảy ra

    *Mức phạt vi phạm:

    Tại Điều 418 BLDS 2015 quy định về thỏa thuận phạt vi phạm thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

    Tuy nhiên tại Điều 301 Luật thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm là mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

    *Miễn trách nhiệm:

    Tại Khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 có quy định như sau:

    “2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

    Để được xác định là sự kiện bất khả kháng, Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 định nghĩa:

    “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

    Về cơ bản, trường hợp này có thể được xác định là không thể lường trước và không thể khắc phục, tuy nhiên bên chậm thực hiện nghĩa vụ phải chứng minh được mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép!

     

    Cập nhật bởi jacktran159 ngày 03/04/2021 11:21:57 SA
     
    1679 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn jacktran159 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (02/04/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận