PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG PHẢI PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Chủ đề   RSS   
  • #206803 12/08/2012

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4358 lần


    PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG PHẢI PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

    1.Tìm lời đáp cho câu hỏi tại sao pháp luật hợp đồng phải phù hợp với thực tiễn.

    Dẫn nhập: Hàng ngày chúng ta thực hiện rất nhiều loại hợp đồng như mua tô phở ăn sáng, đổ xăng, gửi xe, ký hợp đồng mua bán với đối tác, thuê nhà v.v. Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (điều 388 Bộ luật dân sự 2005). Hợp đồng là một trong những hành vi thường xuyên gặp nhất trong việc phát sinh những quan hệ nghĩa vụ. Nó đơn giản đến nỗi một bà nội trợ đi mua rau cũng không cần học về luật hợp đồng mới thực hiện giao dịch được. Nhưng nó cũng phức tạp đến nỗi những hãng luật nỗi tiếng cũng không soạn thảo một hợp đồng hoàn chỉnh hay giải quyết tranh chấp xảy ra giữa các đối tác. Vậy pháp luật hợp đồng có cần phải phù hợp với thực tiễn hay không?

    Như chúng ta đã biết một trong những chức năng của pháp luật hợp đồng giúp cho các quan hệ trong xã hội được hài hòa, bảo đảm quyền lợi của mỗi người, giúp công bằng xã hội. Và nó đã được ghi nhận trong pháp luật của các nước cũng như pháp luật hợp đồng Việt Nam: vai trò của pháp luật hợp đồng là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân (điều 1 Bộ luật dân sự 2005). Pháp luật hợp đồng cần phải phản ánh đúng đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ( vì pháp luật là một hiện tượng vừa mang tính giai cấp vừa mang tính xã hội). Nếu pháp luật không phù hợp với thực tiễn thì không những nó “bị chết” trong đời sống thực tế mà nó còn gây ra những hệ lụy cho xã hội như: người dân không đồng ý thực hiện, giúp cho những “kẻ kém phần tử tế” lợi dụng những khe hở của pháp luật mà làm lợi bất chính từ người khác v.v. Từ đó tạo nên sự bất công bằng trong xã hội, và hậu quả cuối cùng là gây ra sự bất ổn về mọi mặt (kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội). Ngược lại, nếu nó phù hợp với thực tiễn thì pháp luật là “tâm gương soi sáng cho thực tiễn”, sẽ được mọi người tự nguyện tôn trọng và thực hiện, tạo ra những mối quan hệ mới, đảm bảo công bằng xã hội, đời sống được ổn định, và là tiền đề của sự phát triển. Đó cũng chính là lời đáp cho câu hỏi: tại sao pháp luật hợp đồng phải phù hợp với thực tiễn?

    2. Đánh giá pháp luật hợp đồng Việt Nam với thực tiễn.

          Theo ý kiến chủ quan của tôi thì pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng của các hệ thống pháp luật trên thế giới dù được xây dựng ở trình độ kỹ thuật pháp lý cao đi chăng nữa đều có điểm không phù hợp với thực tiễn (có thể bởi lí do khách quan hoặc lí do chủ quan) nhưng cốt yếu là độ chênh của pháp luật với thực tiễn đời sống ở mức độ bao nhiêu.Và pháp luật hợp đồng Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đấy. Nghĩa là, nó vẫn tồn tại những điểm không phù hợp với thực tiễn. Sau đây là những điểm không phù hợp đó:  

    (i) Pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện nay được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân Sự năm 2005, Luật Thương Mại năm 2005…chưa thống nhất với nhau.

    Như chúng ta đã biết một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật là tính thống nhất. Nhưng việc các văn bản pháp luật khác nhau lại có những quy định không giống nhau về những điểm không khác trong pháp luật hợp đồng là điều mà chúng ta đáng lo ngại và nghi ngờ về tính hiệu quả của pháp luật hợp đồng trong thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Sau đây là những phân tích để làm sáng tỏ nhận định trên.

    Trong Bộ luật Dân sự 2005 quy định quyền hoãn (điều 415), đơn phương chấm dứt (điều 426) hợp đồng dân sự còn trong Luật Thương mại 2005 thì lại quy định tạm ngừng (điều 308), đình chỉ (điều 310) hợp đồng. Việc sử dụng từ ngữ khác nhau để quy định cho những vấn đề không khác như thế dễ dẫn đến sự nhầm tưởng giữa các vấn đề đó có sự khác nhau. Và có thể dẫn đến “những phân biệt không nên phân biệt”. Làm cho người áp dụng và sử dụng luật sẽ lúng túng và gặp nhiều khó khăn.

    Điều vừa đề cập ở trên chỉ là một ví dụ điển hình trong nhiều trường hợp sử dụng từ ngữ (mặt hình thức) không thống nhất trong pháp luật hợp đồng hiện nay còn về mặt nội dung thì “rối rắm” hơn rất nhiều. Cụ thể như sau: trong Bộ Luật dân sự 2005 quy định mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận (điều 422). Điều này có thể hiểu, mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng mà quy định mức phạt hợp đồng cho phù hợp với điều kiện thực tế đấy và không bị ràng buộc bởi một giới hạn nào của mức phạt hợp đồng. Còn Luật Thương mại lại quy định mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá tám phần trăm giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (điều 301). Với quy định này thì quyền lựa chọn mức phạt hợp đồng do các bên thỏa thuận đã bị giới hạn trong khuôn khổ tám phần trăm, cho dù là các hợp đồng có tính chất khác nhau như thế nào đi chăng nữa thì mức phạt cũng chỉ nằm trong khuôn khổ đó. Việc Luật Thương mại quy định giới hạn tối đa mức phạt hợp đồng như vậy không chỉ mâu thuẩn với quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành mà còn là một quy định trái với thực tiễn (có lẽ duy nhất Luật Thương mại Việt Nam mới quy định giới hạn tối đa này). Mặt khác, nếu Bộ luật dân sự chỉ dừng lại ở việc không giới hạn mức tối đa của phạt vi phạm mà không có một số quy định ràng buộc thì chưa đủ. Ví dụ, sẽ có lúc phạt vi phạm do các bên thỏa thuận lớn hơn hay ít hơn rất nhiều so với thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra. Với sự không thống nhất này chắn chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Theo tôi nên quy định rằng mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận khi ký kết hợp đồng. Mức phạt này có thể được tòa án điều chỉnh khi có yêu cầu của một trong các bên trong trường hợp thiệt hại thực tế do vi phạm là quá thấp hoặc quá cao so với mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận. Thì sẽ phù hợp với thực tiễn và tránh được sự không thống nhất của các văn bản pháp luật hợp đồng.

     (ii) Hợp đồng tặng cho còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế.

    Hợp đồng tặng cho là một trong những công cụ pháp lý được hình thành lâu đời nhất trong pháp luật dân sự. Trong Bộ luật dân sự 2005 hợp đồng tặng cho được coi là một trong những hợp đồng thông dụng và được quy định từ điều 465 đến 470. Như vậy, có thể nhận thấy Bộ luật dân sự 2005 chỉ dành một số lượng khiêm tốn các điều luật của hợp đồng này, có lẽ chính vì vậy nên trong thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp pháp luật không thể giải quyết được, ví dụ về bản chất của hợp đồng tặng cho, những giới hạn của hợp đồng và vấn đề hủy bỏ hợp đồng sau khi hợp đồng đã có hiệu lực. Và sau đây sẽ làm rõ những trường hợp đó.

    Điều 466 Bộ luật dân sự không nói rõ “nhận tài sản” là nhận tài sản về mặt pháp lý hay thực tế nhận tài sản, mặt khác, Điều 446 Bộ luật dân sự quy định, hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù còn bên tặng cho đồng ý nhận. Theo “Dương Anh Sơn, Bàn về bản chất pháp lý của hợp đồng tặng cho tài sản. Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10/2008” thì “đồng ý nhận” được nói đến trong điều 465 Bộ luật dân sự có thể là đồng ý nhận tài sản ngay tức thì và cũng có thể đồng ý nhận tài sản vào thời điểm nào đó trong tương lai. Và tôi hoàn toàn đồng ý với cách hiểu này. Nhưng một số tác giả cho rằng “nhận tài sản” được nói đến trong điều 466 là nhận tài sản thực tế. Theo tôi, nếu cho rằng hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế thì sẽ có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra mà pháp luật khó có thể giải quyết được. Vì nếu cho rằng hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế thì trước khi nhận tài sản người được tặng cho có quyền từ chối nhận tài sản và người tặng cho có quyền từ chối thực hiện hợp đồng. Vậy sẽ giải quyết như thế nào trong trường hợp việc từ chối thực hiện hợp đồng của một trong các bên gây thiệt hại cho bên kia. Ví dụ, ngày 1/5 bà A định mua ngôi nhà số 278 Điện Biên Phủ ( trị giá 3 tỷ đồng) để ở, trong lúc đó ông B hứa sẽ tặng cho bà A ngôi nhà 280 Điện Biên Phủ (trị giá 4 tỷ) vào ngày 15/5, hợp đồng được lập thành văn bản, có chứng thực. Vì lẽ được tặng nhà, nên bà A không mua ngôi nhà số 278 Điện Biên Phủ nữa. Đến ngày 14/5 ông B thông báo là không cho bà B ngôi nhà 280. Trong khi chủ ngôi nhà số 278 đã bán với giá 3 tỷ đồng cho người khác và ngày 1/5. Đến ngày 14/5 ngôi nhà 278 có giá trên thị trường là 3,2 tỷ đồng. Như vậy nếu nói rằng hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế thì ông B không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho bà A bởi vì hợp đồng tặng cho chưa có hiệu lực pháp luật. Điều này vô lý, bởi lẽ nếu không có hợp đồng tặng cho được ký kết trước đó thì bà A đã có nhà ở và giá trị ngôi nhà sẽ được tăng thêm 200 triệu.

          Thông thường một người nào đó khi tặng cho người khác tài sản không phải không vì động cơ nào. Động cơ tặng cho có thể không giống nhau, nhưng tóm lại động cơ luôn thể hiện lòng tốt của người tặng cho. Song có những trường hợp, sau khi hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực, bên được tặng cho đã nhận tài sản nhưng họ đã có hành vi trái với mong muốn, tức là ngược với động cơ của người tặng cho. Ví dụ người được tặng cho có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tặng cho và những người thân thích với người này, hoặc người được tặng cho sử dụng tài sản tặng cho trái với mong muốn của người tặng cho, hoặc trong một số trường hợp sau khi hợp đồng tặng cho được thực hiện thì hoàn cảnh, tình trạng gia đình, vật chất của người tặng cho có sự thay đổi cơ bản và người tặng cho lại có nhu cầu lớn về tài sản để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của mình hoặc việc tặng cho có thể xâm hại đến quyền lợi của người khác, của xã hội… Trong trường hợp này pháp luật Việt Nam khó có cách giải quyết được bởi không có sự điều chỉnh rõ ràng.

    (iii) Nguyên tắc thiện chí trung thực chưa được bảo đảm.

           Thiện chí, trung thực là một trong những nguyên tắc nền tảng của việc ký kết và thực hiện hợp đồng được được quy định trong các văn bản pháp luật của nhiều nước, pháp luật hợp đồng Việt Nam cũng ghi nhận nguyên tắc này (điều 389 Bộ luật dân sự). Giữa hành vi vi phạm hợp đồng và với nguyên tắc thiện chí, trung thực có mối quan hệ hổ tương. Việc vi phạm hợp đồng cố ý là biểu hiện của sự không thiện chí, trung thực, còn vi phạm hợp đồng vô ý có thể không phải là không thiện chí trung thực. Và ta không thể phủ nhận công sức của các nhà làm luật đã phân chia lỗi cố ý và vô ý nhằm xác định hậu quả pháp lý khác nhau, với mục đích bảo đảm nguyên tắc thiện chí trung thực. Song vẫn còn nhiều điểm thiếu sót và dường như không có sự khác biệt gì trong hậu quả pháp lý giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý. Nghĩa là nguyên tắc thiện chí trung thực không được bảo đảm. Sau đây là những phân tích nhằm làm rõ nhận định trên.

    Thứ nhất:Xét điều 136 Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu tại các điều 130, 131, 132, 133, 134 của Bộ luật là hai năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Trong trường hợp mục đích, nội dung giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội (điều 128) và giao dịch dân sự giả tạo (điều 129) thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế. Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu hai năm nói chung là hợp lý, song vẫn chưa ổn nếu hợp đồng được ký kết  do bị lừa dối và đe dọa, vì những lẽ sau:

    * Người có hành vi lừa dối trong việc ký kết hợp đồng rõ ràng có sự cố ý khi thực hiện những hành vi trái với nguyên tắc tự do tự nguyện trong giao kết hợp đồng. Lừa dối ký kết hợp đồng là một hành vi có chủ ý và những hành vi này thường được che dấu một cách khôn khéo (không khôn khéo thì không thể lừa dối được người khác). Vậy thì, với quy định nói trên thì trong trường hợp hành vi lừa dối được ngụy trang quá khéo nên một trong các bên của hợp đồng chỉ có thể biết được mình ký kết hợp đồng do bị lừa dối sau hai năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng, quyền lợi của người đó rõ ràng không được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp nói trên, người bị lừa dối không phải là đã từ chối quyền lợi của mình mà chỉ đơn giản là trong khoảng thời gian hai năm kể từ ngày ký  kết hợp đồng họ hoàn toàn không biết hoặc không buộc phải biết rằng mình bị lừa dối.

              Ví dụ:  Ông A tìm đến Bà B chuyên sản xuất giống cây trồng để mua 1000 cây xoài ghép chất lượng cao về trồng tại gia đình. Bà B biết A không thể phân biệt được xoài tốt với xoài kém chất lượng. Nên B đã lấy những cây xoài bị lỗi trong quá trình ghép cây (B biết chắc rằng những cây xoài này sẽ không ra quả, nếu ra quả thì chất lượng là rất kém). Nhưng bà B nói đây là giống xoài chất lượng cao, nhanh phát triển, và sẽ bắt đầu ra hoa kết trái sau ba năm trồng, năng suất đạt từ một tấn trên mỗi cây/một năm, thậm chí năng suất còn cao hơn rất nhiều…và nhiều lời hoa mỹ khác. Nên ông A tin tưởng và ký kết hợp đồng với B (trong hợp đồng không có cam kết về chất lượng cây của B), trong thời gian hai năm trồng cây xoài của ông A phát triển rất tốt, ông nghĩ rằng sau ba năm ông sẽ có quả để thu hoạch (như lời nói của bà B lúc giao kết hợp đồng). Nhưng sau ba năm xoài của A vẫn cứ lớn nhưng không có hoa, lúc này ông mới biết mình đã bị lừa dối. Và trong trường hợp này của ông A đã hết thời hạn kiện B. Trong trường hợp này A đã mất quyền lợi bởi quy định của pháp luật chưa hợp lý.

    * Tương tự như lừa dối, người có hành vi đe dọa trong việc ký kết hợp đồng rõ ràng đã có hành vi cố ý xâm phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện trong giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hơp đồng ký kết do bị đe dọa thì pháp luật cũng không thể bảo vệ được quyền lợi của bên bị đe dọa nếu hành vi đe dọa kéo dài trong khoản hai năm kể từ ngày ký kết hợp đồng, điều này hoàn toàn có thể xảy ra trông thực tế.

          Ví dụ: Ông C đe dọa bà D rằng: Nếu bà không bán căn nhà bà đang ở (giá thị trường là 2 tỷ đồng) cho tôi với giá 800 triệu đồng thì tôi sẽ giết chết bà, nếu bà báo công an tôi sẽ giết cả gia đình bà. Với những lời đe dọa đó, bà D đã quyết định bán nhà cho C trong tâm trạng bị miễn cưỡng nhằm bảo vệ tính mạng của gia đình và chính mình. Trong thời gian hai năm C vẫn tiếp tục đe dọa bà D, nên D không dám kiện C. Sau khoản thời gian hai năm đó, C chấm dứt việc đe dọa D; nhưng D đã hết quyền kiện C. Theo tôi, ở đây pháp luật đã có sự dung túng cho hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

    ü  Điều 136 của Bộ luật dân sự 2005 chưa bảo đảm được quyền lợi của người bị vi phạm, mà còn tạo điều kiện cho những kẻ không thiện chí trung thực vi phạm trong giao kết hợp đồng mà không phải bị một chế tài nào cả. Cần nên có sự phân biệt giữa thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu do nhằm lẫn (vô ý) với thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa; không nên lấy mốc là thời điểm xác lập hợp đồng mà lấy mốc là thời điểm chấm dứt sự đe dọa hay thời điểm bên bị lừa dối biết được hay buộc phải biết được mình bị lừa dối để tính thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

    Thứ hai:Xét điều 318 Luật thương mại 2005 quy định mốc thời hạn khiếu nại như sau: ba tháng kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại số lượng của hàng hóa; sáu tháng kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hóa, trong trường hợp hàng hóa có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng kể từ ngày hết thời hạn bảo hành. Các quy định nói trên của Luật thương mại cho thấy: thời hạn khiếu nại được áp dụng như nhau giữa hành vi vi phạm hợp đồng cố ý cũng như vô ý.

          Như chúng ta đã biết về nguyên tắc, trong hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng và hợp đồng nói chung các bên đều bình đẳng. Song trên thực tế người bán luôn là người biết rõ ràng nhất về đặc điểm chất lượng của hàng hóa. Vì vậy, họ luôn ở vị trí có lợi hơn về thông tin so với người mua. Do đó với quy định về thời hạn như trên của pháp luật thì rất dề xảy ra trường hợp người bán cố tình giao hàng kém chất lượng cho người mua bởi vì họ biết chắc rằng, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày giao hàng hoặc trong thời hạn ba tháng kể từ ngày hết hạng bảo hành, người mua không thể phát hiện được các khuyết tật đó của hàng hóa. Và như thế người bán không bị một chế tài nào bởi hành vi lừa dối của mình gây ra thiệt hại cho đối tác. Tôi cho rằng, ở đây cũng có hành vi dung túng cho hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

    Ví dụ:  E (là thương nhân lâu năm và có nhiều kinh nghiệm) và F (lần đầu tham gia kinh doanh) kí hợp đồng mua bán hàng hóa.Theo hợp đồng thì ngày 1 tháng 5 năm 2010 E giao hàng cho F. E với kinh nghiệm lâu năm của mình nên tin chắc rằng nếu giao hàng thiếu thì trong thời hạn ba tháng thì F không phát hiện ra, và giao hàng kém chất lượng thì trong vòng sáu tháng F cũng không biết. Nên  đã quyết định giao hàng không đủ và kém chất lượng cho F vào ngày 1 tháng 5 năm 2010. Và đúng thế trong thời hạn ba tháng F không phát hiện được E giao thiếu hàng, trong sáu tháng thì F cũng chưa biết được hàng mình nhận là kém chất lượng. Nên F đã hết thời hạn khiếu nại E. Và trong trường hợp này E đã có được nguồn lợi thu từ thiệt hại của F bằng mánh khóe gian dối của mình. Ta thấy, trong ví dụ này người có thiện chí trung thực là F không được pháp luật bảo vệ; còn người có hành vi gian dối trong hợp đồng là E thì không có chế tài xử lý để đảm bảo công bằng. Theo tôi, cần phải có một cơ chế hợp lý để bảo đảm nguyên tắc thiện chí trung thực để đúng với ý nghĩa của nó. Và trong trường hợp này cần phải có sự quy định lại thời hạn khiếu nại như sau: Nếu người giao hàng có hành vi không thiện chí trung thực thì thời hạn được tính từ ngày người nhận hàng biết hoặc buộc phải biết về số lượng, chất lượng hàng hóa không đúng yêu cầu.

    Thứ ba:   Xét điều 305 Luật thương mại 2005, quy định rằng: “Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.Thiết nghĩ, việc bắt buộc bên bị vi phạm là người mua phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất của hành vi cố tình vi phạm hợp đồng của người bán gây ra là điều không công bằng và hoàn toàn không trên cơ sở nguyên tắc thiện chí. Bởi lẽ việc người bán cố tình vi phạm hợp đồng cho thấy sự không trung thực và thiện chí của người bán. Nếu pháp luật bắt buộc người bị vi phạm phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất có nghĩa là pháp luật đã bắt buộc người mua phải thể hiện sự thiện chí và hợp tác của mình với người không trung thực. Mặt khác hành vi cố tình vi phạm hợp đồng chứng tỏ rằng, người vi phạm đã không muốn tiếp tục duy trì, bảo vệ mối quan hệ hợp tác với bên kia; và bên vi phạm không muốn coi hợp đồng là công cụ chia sẽ lợi ích và rủi ro với phía bên kia. Với những lý do trên, pháp luật không thể bắt bên bị vi phạm phải thể hiện sự thiện chí của mình. Ngoài ra, sẽ không bình đẳng và vô lý khi một bên trong quan hệ hợp đồng vì quyền lợi của mình đã chấp nhận vi phạm hợp đồng (cố tình vi phạm hợp đồng bởi họ thấy rằng, việc vi phạm hợp đồng của họ là có lợi hơn là phải thực hiện nghĩa vụ hợp đồng), rồi lại dùng pháp luật để buộc bên bị vi phạm phải tự hạn chế tổn thất nhằm giảm các khoản bồi thường thiệt hại mà người vi phạm phải trả.

    ü  Theo tôi, pháp luật cần có sự quy định trường hợp trên như sau: “bên vi phạm hoàn toàn không có quyền viện dẫn đến việc bên bị vi phạm không áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất để yêu cầu giảm giá trị bồi thường theo quy định tại điều 305- Luật thương mai”. Việc quy định lại như thế sẽ đảm bảo được nguyên tắc thiện chí trong giao kết hợp đồng: “sự thiện chí này sẽ được đáp lại bằng sự thiện chí khác, không thiện chí sẽ nhận cái không thiện chí khác”.

    Thứ tư: Xét điểm a khoản 1 điều 294 Luật thương mại 2005. Theo quy định này thì bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được miễn trừ trách nhiệm nếu tại thời điểm ký kết hợp đồng các bên có thỏa thuận về sự miễn trừ đó. Có thể thấy rằng, một lần nữa pháp luật hợp đồng Việt Nam không có sự phân biệt giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý. Như chúng ta đã biết đặc trưng của pháp luật hợp đồng là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên không phải mọi thỏa thuận của các bên đều cần phải được tôn trọng. Vì có trường hợp bên vi phạm hợp đồng có thể lợi dụng sự tồn tại của thỏa thuận miễn trừ để không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của mình. Điều này chính là hành vi cố ý vi phạm hợp đồng.

     Ví dụ: vào ngày 1/1/2010 G (bên bán) và H (bên mua) kí kết hợp đồng mua bán bánh sô-cô-la để bán lại cho những người kinh doanh nhỏ lẻ khác nhằm phục vụ khách hàng vào ngày 14/2/2010. Trong hợp đồng của hai bên có điều khoản miễn trừ trách nhiệm như sau: thời gian G giao hàng là ngày 7/2/2010, và H phải thanh toán đầy đủ tiền là 12 tỷ đồng. Và cho phép G giao trễ không quá ngày 3 ngày (khi làm không kịp hàng), nếu G giao hàng trễ trong khoản thời gian cho phép đó thì giảm số tiền của H phải thanh toán giảm xuống còn 11,5 tỷ đồng. Và đến sáng ngày 7/2 G đã đủ hàng và chuẩn bị giao cho H, nhưng một anh I xuất hiện đề nghị với G là sẽ mua hết số hàng đó với giá 14 tỷ đồng; và G bán cho I. G thông báo với H là hàng chưa làm xong, chắc chắn vào ngày 10/2 sẽ đủ hàng giao cho H. Đến ngày 10/2 G giao đủ hàng cho H với giá 11,5 tỷ đồng. Nhưng hàng của H vừa mua được không thể bán được, vì số hàng kia I mua được từ G và tung ra thị trường cách đây ba ngày (thị trường bánh sô-cô-la đã bảo hòa). Như thế, trong ví dụ này H đã bị thiệt hại bởi hành vi không thiện chí của G (vì số tiền lời được tăng thêm nên đã bán hàng cho I). Có thể dễ dàng thấy được hành vi đó của G là lợi dụng điều kiện thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng để vi phạm hợp đồng. Và với ví dụ trên, chứng tỏ pháp luật chưa có chế tài đối với kẻ không thiện chí trung thực. Điều quan trọng là nên bổ sung vào điểm a khoản 1 điều 294 như sau: “thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm không có giá trị pháp lý nếu vi phạm cố ý”.

    (iv) Hợp đồng mua bán nhà ở có điểm không phù hợp.

    Pháp luật hợp đồng hiện hành có quy định hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực. Nếu hợp đồng không được lập thành văn bản thì chưa có hiệu lực. Nếu hợp đồng không tuân thủ hình thức thì nó có thể bị tuyên vô hiệu trong hai năm. Sau hai năm thì thừa nhận giá trị pháp lý của nó. Nhưng tôi thấy với quy định của pháp luật hợp đồng như vậy thì chưa phù hợp với thực tiễn. Sau đây là ví dụ để chứng minh điều đó.

    Ví dụ: Ông A bán nhà cho ông B vào ngày 1/5/2009 với giá 10 tỷ đồng (B đã thanh toán đủ). Hai bên có lập hợp đồng thành văn bản. Nhưng vì lý do khách quan nên hai bên chưa chứng thực hợp đồng. Đến ngày 1/5/2010 ông B yêu cầu ông A chứng thực hơp đồng đó. Nhưng vì lý do ngôi nhà đó có giá thị trường nay tới 15 tỷ đồng nên A cố tình không làm chứng thực hợp đồng (nhằm mục đích để hợp đồng vô hiệu). Thì B làm theo quy định tại điều 134 Bộ luật dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp này tòa án ra quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó thì giao dịch dân sự vô hiệu. Tôi nhận thấy, trong trường hợp này chắc chắn hợp đồng sẽ vô hiệu vì ông A mong muốn điều đó nên sẽ không thực hiện quy định về hình thức của hợp đông. Và rõ ràng B bị thiệt hại rất nhiều, còn A thì lợi rất lớn. Thiết nghĩ, việc pháp luật quy định như vậy không bảo đảm được sự công bằng lợi ích của các bên. Và điều 134 Bộ luật dân sự nên chỉnh sửa thành: “Hợp đồng mua bán bất động sản phải lập thành văn bản chứng thực nếu không thì vô hiệu. Nếu một trong các bên thực hiện một phần đáng kể hay toàn bộ nghĩa vụ của mình thì tòa án bằng quyết định của mình thừa nhận hiệu lực pháp lý của hợp đồng”. Thì sẽ phù hợp với thực tiễn và đảm bảo cân đối lợi ích của các bên khi tham gia quan hệ hợp đồng.

    (v)               Lời kết

    Không ai có thể phủ nhận vai trò của pháp luật hợp đồng Việt Nam đối với đời sống kinh tế-xã hội, song với những điểm đã trình bày ở trên cũng như thực tế những gì đã và đang diễn ra tôi cho rằng: pháp luật hợp đồng Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề phát sinh trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng, pháp luật hợp đồng không giải quyết được; “độ chênh” của pháp luật với thực tiễn còn khá lớn.

    3. Nguồn tại liệu tham khảo

    Để bài tiểu luận được hoàn thành là nhờ một phần không nhỏ của các nguồn tài liệu quý báu sau:

    1. Bộ luật dân sự 2005
    2. Luật thương mại 2005
    3. TS. Nguyễn Minh Đoan, GS.TS Lê Hồng Hạnh, GS.TS Lê Minh Tâm, Giáo tình lý luận nhà nước và pháp luật. NXB Công an nhân dân.
    4. PGS.TS Nguyễn Văn Luyện; PGS.TS Lê Thị Bích Thọ; TS. Dương Anh Sơn, Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế. NXB Đại học Quốc gia TP. HCM 2007
    5. Dương Anh Sơn, Bàn về bản chất pháp lý của hợp đồng tặng cho tài sản. Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10/2008
     
    24705 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    xaydunghungvuong (23/10/2012) sakura195 (24/08/2012)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #206832   12/08/2012

    huyet_cong_tu
    huyet_cong_tu

    Mầm

    , Vietnam
    Tham gia:30/07/2010
    Tổng số bài viết (61)
    Số điểm: 509
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 24 lần


    phamthanhhuu viết:

    Ví dụ: Ông A bán nhà cho ông B vào ngày 1/5/2009 với giá 10 tỷ đồng (B đã thanh toán đủ). Hai bên có lập hợp đồng thành văn bản. Nhưng vì lý do khách quan nên hai bên chưa chứng thực hợp đồng. Đến ngày 1/5/2010 ông B yêu cầu ông A chứng thực hơp đồng đó. Nhưng vì lý do ngôi nhà đó có giá thị trường nay tới 15 tỷ đồng nên A cố tình không làm chứng thực hợp đồng (nhằm mục đích để hợp đồng vô hiệu). Thì B làm theo quy định tại điều 134 Bộ luật dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp này tòa án ra quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó thì giao dịch dân sự vô hiệu. Tôi nhận thấy, trong trường hợp này chắc chắn hợp đồng sẽ vô hiệu vì ông A mong muốn điều đó nên sẽ không thực hiện quy định về hình thức của hợp đông. Và rõ ràng B bị thiệt hại rất nhiều, còn A thì lợi rất lớn. Thiết nghĩ, việc pháp luật quy định như vậy không bảo đảm được sự công bằng lợi ích của các bên. Và điều 134 Bộ luật dân sự nên chỉnh sửa thành: “Hợp đồng mua bán bất động sản phải lập thành văn bản chứng thực nếu không thì vô hiệu. Nếu một trong các bên thực hiện một phần đáng kể hay toàn bộ nghĩa vụ của mình thì tòa án bằng quyết định của mình thừa nhận hiệu lực pháp lý của hợp đồng”. Thì sẽ phù hợp với thực tiễn và đảm bảo cân đối lợi ích của các bên khi tham gia quan hệ hợp đồng.

    Chào bạn, đọc bài của bạn mình có 1 thắc mắc về VD trên của bạn,

    Theo quy định tại Điều 134 BLDS 2005: 

     

    Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

    Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

    Ngoài ra, Điều 137 BLDS 2005 quy định:

     

     

    Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

    1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

    2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

    Như vậy, khi Tòa án yêu cầu các bên thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng nhưng A cố tình không thực hiện để hợp đồng vô hiệu, trong trường hợp này thì A có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu khiến B bị thiệt hại. Vậy theo quy định tại Điều 137 BLDS như trên thì B vẫn có quyền yêu cầu A bồi thường thiệt hại của mình.

    Vậy thực tế nếu A cố tình làm cho hợp đồng vi phạm như VD của bạn thì A vẫn không được lợi do phải bồi thường cho B. Mình hiểu vậy đúng không bạn? Mong bạn chỉ giáo

     

     
    Báo quản trị |  
  • #206846   12/08/2012

    phamthanhhuu
    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4358 lần


    Chào bạn!

    Trước hết mình xin cảm ơn bạn đã có ý kiến góp ý

    Thưa bạn như sau:

    - Một là, Nếu hợp đồng vô hiệu thì A sẽ trả lại cho B 10 tỷ và A sẽ còn căn nhà. Khi đó A bán căn nhà với 15 tỷ. Theo toán học thì A sẽ lợi thêm 5 tỷ.

    - Hai là, Theo luật pháp hiện hành thì A sẽ không bị cho là có lỗi theo điều 137 bạn à. 

    Ví dụ: Trường hợp có lỗi như điều 137: Nếu B mua nhà của A trong trường hợp trên, B làm hư hại nhà, và B mong muốn hợp đồng vô hiệu để A trả lại 10 tỷ, B trả lại nhà. Thì khi đó B sẽ phải bồi thường tổn thất do thiệt hại nhà mà mình gây ra.

    Nếu mình chưa giải đáp được thắc mắc của bạn thì bạn có thể góp ý thêm nhé!

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 12/08/2012 08:14:37 CH
     
    Báo quản trị |  
  • #206852   12/08/2012

    huyet_cong_tu
    huyet_cong_tu

    Mầm

    , Vietnam
    Tham gia:30/07/2010
    Tổng số bài viết (61)
    Số điểm: 509
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 24 lần


    Chào bạn, cảm ơn bạn đã trả lời,

    Nhưng theo điểm b tiểu mục 2.2 mục 2 phần 1 của nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP 

    Bên có lỗi làm cho hợp đồng bị vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức vì không thực hiện theo quyết định của Toà án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 146 BLDS.

    Điều 146 BLDS 1995 quy định: 

    Điều 146. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

    1- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập.

    2- Khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

    Tuỳ từng trường hợp, xét theo tính chất của giao dịch vô hiệu, tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

    Điều 146 này tương ứng với Điều 137 BLDS 2005 như mình đã dẫn ở trên.

    Qua đó, mình nghĩ khi ông A trong VD của bạn cố tình không thực hiện yêu cầu của Tòa nhằm làm cho hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc trả lại tiền mua nhà cho ông B thì ông A còn phải bồi thường thiệt hại cho ông B do đã có lỗi làm hợp đồng vô hiệu, phần thiệt hại của ông B là phần chênh lệch giá nhà mà ông A nhận được, vậy nên ông A có làm như VD bạn nói thì cũng không được lợi gì cả vì cũng phải trả lại cho ông B.

    Mình nghĩ vậy, không biết đúng không vậy bạn? cảm ơn bạn

    Cập nhật bởi huyet_cong_tu ngày 12/08/2012 09:41:12 CH Cập nhật bởi huyet_cong_tu ngày 12/08/2012 09:40:25 CH
     
    Báo quản trị |  
  • #207003   13/08/2012

    phamthanhhuu
    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4358 lần


    Cảm ơn bạn vì sự góp ý trên.

    Tại Phần 1, Tiểu mục 2.4 của Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP có quy định:

     2.4. Giải quyết hậu quả của hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu

    a. Xác định lỗi

    Khi tuyên bố hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu, thì về nguyên tắc chung khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu Toà án buộc bên mua trả lại nhà ở cho bên bán; bên bán nhận lại nhà ở và trả lại những gì đã nhận cho bên mua nhà. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 146 BLDS bên có lỗi làm cho hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia; do đó, việc xác định lỗi của một hoặc các bên như sau:

    a.1. Một bên bị coi là có lỗi nếu bên đó có hành vi làm cho bên kia nhầm tưởng là có đầy đủ điều kiện để mua nhà ở hoặc bán nhà ở là hợp pháp.

    Ví dụ về trường hợp bên bán bị coi là có lỗi: Bên bán bị coi là có lỗi nếu làm cho bên mua tin tưởng là bên bán có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở hoặc có hành vi gian dối để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và sử dụng các giấy tờ này làm bằng chứng để cho bên mua tin và giao kết hợp đồng mua bán nhà ở đó.

    Ví dụ về trường hợp bên mua bị coi là có lỗi: Bên mua bị coi là có lỗi nếu có hành vi gian dối làm cho bên bán tin tưởng là tài sản đặt cọc, tài sản để thực hiện nghĩa vụ thuộc quyền sở hữu của bên mua nên đã giao kết hoặc giao nhà ở cho bên mua.

    a.2. Đối với hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu theo quy định tại các điều 140, 141, 142 và 143 BLDS, thì áp dụng quy định của điều luật tương ứng để xác định lỗi của bên bán hoặc lỗi của bên mua.

    a.3. Trường hợp hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu do lỗi của hai bên, trừ trường hợp quy định tại Điều 137 BLDS, thì Toà án phải xác định mức độ lỗi của mỗi bên để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mỗi bên.

    b. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại

    b.1. Nếu các bên đều có lỗi tương đương nhau làm cho hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu, thì mỗi bên chịu trách nhiệm 1/2 giá trị thiệt hại; nếu mức độ lỗi của họ không tương đương nhau, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo mức độ lỗi của mỗi bên.

    b.2. Nếu bên mua có lỗi làm cho hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu, thì bên bán chỉ phải trả cho bên mua số tiền đã nhận và bên mua phải giao lại nhà cho bên bán (nếu đã nhận); nếu bên mua có lỗi làm cho nhà ở bị hư hỏng hoặc tháo dỡ thì phải bồi thường khoản tiền do bên bán phải bỏ ra để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu do bên mua làm hư hỏng hoặc tháo dỡ nhà. Trong trường hợp giá nhà giảm mà bên bán bị thiệt hại thì bên mua phải bồi thường cho bên bán khoản tiền chênh lệch giá được xác định theo cách thức hướng dẫn tại điểm c tiểu mục 2.4 mục 2 này.

    b.3. Nếu bên bán có lỗi làm cho hợp đồng mua bán nhà ở bị vô hiệu, thì bên bán phải trả cho bên mua số tiền đã nhận và bên mua phải giao lại nhà cho bên bán (nếu đã nhận). Trong trường hợp có sự chênh lệch giá nhà mà bên mua bị thiệt hại thì bên bán phải bồi thường khoản tiền chênh lệch giá được xác định theo cách thức hướng dẫn tại điểm c tiểu mục 2.4 mục 2 này.

    Khoản tiền chênh lệch được tính theo tỷ lệ số tiền bên mua nhà đã trả.

    b.4. Nếu trong thời gian quản lý, bên mua đã cải tạo, sửa chữa nhà làm tăng giá trị nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất thì khi nhận lại nhà bên bán phải thanh toán cho bên mua phần giá trị tăng thêm đó, trừ trường hợp bên bán có phản đối hoặc cơ quan có thẩm quyền không cho phép mà bên mua vẫn cố tình cải tạo, sửa chữa.

    c. Xác định thiệt hại

    c.1. Khi tuyên bố hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu thì Toà án cần xác định thiệt hại gồm:

    Khoản tiền mà bên bán phải bỏ ra để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của nhà ở do bên mua đã tháo dỡ hoặc làm hư hỏng; khoản tiền mà bên mua đã đầu tư để cải tạo, sửa chữa nhà làm tăng giá trị nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất. Trong trường hợp hợp đồng mua bán nhà ở không có đặt cọc và các bên không có thoả thuận khác về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 379 BLDS để bảo đảm thực hiện hợp đồng, thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch giữa giá nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận với giá nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc các thiệt hại khác, nếu có.

    c.2. Để xác định đúng các thiệt hại nói trên, Toà án phải tiến hành định giá nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất và xác định thiệt hại về nhà ở như sau:

    Nếu các đương sự không thoả thuận được về giá nhà, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị thiệt hại, thì Toà án yêu cầu cơ quan chuyên môn định giá hoặc ra quyết định thành lập hội đồng định giá. Giá nhà và giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường chuyển nhượng tại địa phương nơi có nhà đất đang tranh chấp đối với từng loại nhà, đất vào thời điểm xét xử sơ thẩm.

    Tuy nhiên, trong trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quy định giá đất cụ thể phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại địa phương hoặc các Trung tâm giao dịch bất động sản hoạt động hợp pháp có niêm yết giá giao dịch chuyển nhượng đất tại địa phương, thì Toà án có thể căn cứ vào giá do Uỷ ban nhân dân quy định hoặc giá niêm yết của các Trung tâm giao dịch để xác định giá nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất, mà không nhất thiết phải thành lập Hội đồng định giá.

    c.3. Trách nhiệm chịu chi phí cho việc định giá như sau:

    - Các đương sự phải chịu chi phí cho việc định giá tương ứng với phần nghĩa vụ của họ.

    - Trường hợp đương sự có yêu cầu định giá lại, thì người có yêu cầu phải tạm ứng trước chi phí định giá, Toà án sẽ quyết định ai phải chịu chi phí định giá tuỳ thuộc vào kết quả xét xử.

    Thì đã quy định trường hợp nào là lỗi tại tiết a. Bởi vậy trong tình huống giả định nêu ra thì A không bị lỗi. Như thế, nếu chứng minh A nằm trong tiết a của tiểu mục 2.4 thì mới gọi là có lỗi; Khi đó mới có quyền xác định thiệt hại theo tiết c của tiểu mục 2.4. Nghĩa là thoả trường hợp "lỗi" thì mới được "xác định thiệt hại". 

    Hi vọng câu trả lời này giải đáp được thắc mắc của bạn. Rất mong sự góp ý của bạn!

     
    Báo quản trị |