Chào bạn lanlannguyen!
1/ Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất (tức là loại tội phạm mà A thực hiện là gì), trước hết chúng ta cần phải biết A phạm vào tội cướp theo khoản mấy của điều 133 BLHS. Theo dữ liệu bài tập thì A phạm vào khoản 2 Điều 133 BLHS (cái này đã là mặc định của bài tập).
Mức hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 133 BLHS là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Vậy dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 8 BLHS thì A phạm tội tuộc loại rất nghiêm trọng chứ không phải là đặc biệt nghiêm trọng.
2/ Do bài tập không yêu cầu bạn phải xác định khách thể chính hay khách thể loại của A trong trường hợp trên. Vì vậy câu trả lời yêu cầu phải xác định khách thể nói chung của tội cướp tài sản. Và câu trả lời là khách thể của tội cướp tài sản bao gồm cả quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân, chứ không riêng gì quan hệ tài sản.
Vì sao lại như vậy? Bởi vì đó là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản thông qua việc xâm phạm quan hệ nhân thân. Thể hiện bằng hành vi cụ thể là người phạm tội "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản". Như vậy thì nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản với tính chất là cướp tài sản được. Ngược lại nếu xâm phạm đến quan hệ tài sản mà không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội sẽ phạm vào một tội khác chứ không phải là tội cướp tài sản. Từ đó có thể thấy rằng tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm hai khách thể là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản (trong đó quan hệ nhân thân bị xâm phạm trước), thông qua việc xâm phạm nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản.
3/ Đối tượng tác động của tội phạm là một cái gì đó cụ thể, chứ không phải là môt quan hệ pháp luật được bảo vệ (vì quan hệ pháp luật được bảo vệ là dấu hiệu thuộc về mặt khách thể của tội phạm). Cấu thành cơ bản của tội cướp tài sản có ngay trong khoản 1 Điều 133. Theo đó thì "Người nào... làm cho người bị tấn công...". Như vậy thì đối tượng tác động của tội cướp tài sản là con người cụ thể và tài sản, chứ không phải là quan hệ tài sản.
Lưu ý là trong khoa học luật hình sự, tài sản và quan hệ tài sản là hai phạm trù khác nhau (như bạn longquochan đã chỉ ra ở trên).
3/ Với tội cướp tài sản thì cấu thành cơ bản là tội phạm thuộc khoản 1 của Điều 133. Bởi vì người phạm tội chỉ cần thực hiện đầy đủ hành vi quy định tại khoản 1 thì đã đủ yếu tố để cấu thành tội phạm, tức là tội phạm đã hoàn thành mà không nhất thiết phải đã gây ra hậu quả hay chưa. Và khi hành vi của người phạm tội đã thỏa mãn các yếu tố này thì mới xem xét đến các tình tiết quy định tại khoản 2, 3, 4 của điều luật. Theo đó thì hình phạt tương ứng có xu hướng tăng dần. Từ đó mà đưa ra kết luận trường hợp của A thuộc cấu thành tăng nặng.
Thân ái!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!