Hành vi buôn bán quần áo cũ có bị xử phạt hay không? Nếu có thì mức xử phạt ra sao? Hoạt động buôn bán quần áo cũ có cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định hay không?
Hành vi buôn bán quần áo cũ có bị xử phạt?
Căn cứ Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định Hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng đối với hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng -trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng - trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng - trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
-Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo biện pháp buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo đó, Pháp luật không có quy định cấm kinh doanh quần áo cũ. Nhưng kinh doanh quần áo cũ không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, Đối với việc bán quần áo cũ nhập khẩu:
Theo mục 2 Phụ lục 1 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định danh mục các hàng hóa cấm nhập khẩu bao gồm:
“Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng, bao gồm các nhóm hàng:
- Hàng dệt may, giày dép, quần áo.”
Như vậy quần áo qua sử dụng thuộc hàng hóa cấm nhập khẩu, vì vậy kinh doanh quần áo cũ nhập khẩu sẽ vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Hoạt động buôn bán quần áo cũ có phải đăng ký kinh doanh?
Căn cứ Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh như sau:
Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Theo đó, nếu hoạt động kinh doanh buôn bán quần áo cũ thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không cần phải đăng ký kinh doanh. Nếu không thuộc các trường hợp nêu trên thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.