Dân gian có câu “im lặng là vàng”, tuy nhiên trong tố tụng hình sự im lặng không chỉ là vàng mà trở thành tính sống còn của sinh mạng con người.
Thời gian qua, chỉ vì im lặng mà xảy ra những cái chết đau lòng tại trụ sở công an (không khai, không “nhận tội”… nên bị kẻ mang danh công quyền đánh chết). Vậy quyền im lặng trong tố tụng hình sự của bị can, bị cáo được bảo vệ tới đâu?
1. Bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội
Đoạn 2 điều 10 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Như vậy, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội – nghĩa là bị can, bị cáo có quyền im lặng trong khâu chứng minh mình vô tội. Song luật không đề cập rõ “bị can, bị cáo có quyền im lặng khi bị hỏi cung, đứng trước tòa … hay không?
Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, nếu bị can, bị cáo “im lặng” theo đúng nghĩa đen thì nhiều khả năng bị can, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ - “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” tại điểm p khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.
Rõ ràng, quyền im lặng của bị can, bị cáo không được bảo vệ một cách tuyệt đối.
5 bị cáo từng là cán bộ công an phải ra tòa vì tội dùng nhục hình làm chết nghi can.
2. Nếu bị can, bị cáo im lặng tuyệt đối trong quá trình hỏi cung thì sao?
Đoạn 3 điều 6, đoạn 1 và 2 điều 7 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 quy định:
- Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.
- Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
- Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.
Như vậy, nếu bị can, bị cáo giữ im lặng tuyệt đối (điều tra viên hỏi – bị can, bị cáo im lặng không trả lời), điều tra viên cũng không có quyền dùng nhục hình với bị can, bị cáo. Song thực tế hoàn toàn khác, tất cả đều xuất phát từ hai yếu tố cơ bản: áp lực phải giải quyết nhanh vụ án và đạo đức điều tra viên bị phai mờ.
3. Giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bị can, bị cáo?
Muốn không để xảy ra những cái chết đau lòng từ việc ép cung, dùng nhục hình thì phải phá vỡ hai yếu tố cơ bản gây hại nêu trên.
(i) Tiêu diệt triệt để “áp lực phải giải quyết nhanh vụ án”
Khoản 3 điều 23 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 quy định: “không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội” – ý nghĩa thì rất tốt đẹp nhưng thực tế khó lòng giải quyết được.
Hoạt động tố tụng là việc đi ngược dòng thời gian để tìm ra sự thật khách quan, song nhận thức của con người là có hạn nên một số trường hợp không thể hoặc chưa thể truy ra sự thật. Tuy nhiên, dưới sức ép không để lọt tội phạm dễ dẫn đến hiện tượng “giết nhằm hơn bỏ sót”, vậy là oan sai lại xảy ra. Nguyễn Thanh Chấn (ở tù oan hơn 10 năm) là một điển hình của việc này.
Vì tâm lý “sợ lọt tội phạm” nên nhiều vụ án chưa đủ chứng cứ để kết tội đáng lẽ ra phải tuyên bị cáo vô tội và trả tự do; vậy mà tòa tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung (bị cáo vẫn không được trả tự do), thậm tệ hơn là đưa ra bản án “an toàn” là chung thân trong những vụ án chỉ có thể tử hình hoặc vô tội, Kỳ án Vườn Mít là một ví dụ.
Như vậy, muốn không xảy ra trường hợp oan sai thì phải chấp nhận bỏ lọt tội phạm trong một số trường hợp nhất định. Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 cần sửa đổi nội dung này để tiêu diệt triệt để “áp lực phải giải quyết nhanh vụ án” nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bị can, bị cáo.
(ii) Không để cái xấu có môi trường tồn tại
Pháp luật khó lòng thay đổi hay kiểm soát “đạo đức phai mờ của điều tra viên” nhưng pháp luật có thể không cho cái xấu sinh ra từ “đạo đức phai mờ” đó có môi trường tồn tại. Nghĩa là, pháp luật cần phải quy định những vấn đề sau:
- Một là, đề cao hơn nữa quyền im lặng của bị can, bị cáo:
+ Cho phép bị can, bị cáo được quyền im lặng tuyệt đối đúng theo nghĩa đen của từ “im lặng”; hoặc
+ Cho phép bị can, bị cáo được quyền im lặng tương đối: bị can, bị cáo được quyền im lặng cho đến khi gặp luật sư riêng của mình; mọi lời khai không có chứng kiến của luật sư đều không có giá trị pháp lý trừ trường hợp bị can, bị cáo không cần luật sư. Điều này sẽ góp phần loại trừ tình trạng ép cung, dùng nhục hình để lấy lời khai giả.
- Hai là, có cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình hỏi cung:
Có thể tạo cơ chế giám sát như sau:
+ Phương án lắp đặt camera tại các phòng hỏi cung được xem là hiệu quả nhất hiện nay. Song thực tế, để lắp đặt hệ thống camera trên toàn quốc thì kinh phí rất lớn nên khó lòng thực hiện ngay.
+ Có biên bản xác định tình trạng sức khỏe của bị can, bị cáo trước khi hỏi cung và sau khi hỏi cung; nếu trước khi hỏi cung không đủ sức khỏe hoặc có khả năng nếu hỏi cung xong thì bị can, bị cáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng thì không được hỏi cung cho đến khi bị cáo khỏe hẳn; nếu trước khi hỏi cung tình trạng sức khỏe của bị can, bị cáo là khỏe nhưng sau khi hỏi cung xong sức khỏe bị can, bị cáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì người hỏi cung phải chịu trách nhiệm.
Có như vậy, quyền im lặng của bị can, bị cáo mới được bảo vệ toàn diện từ pháp lý cho đến thực tiễn.