Phân biệt "phòng vệ chính đáng" và "phòng vệ tưởng tượng"

Chủ đề   RSS   
  • #514903 03/03/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Phân biệt "phòng vệ chính đáng" và "phòng vệ tưởng tượng"

    PHÂN BIỆT

    “Phòng vệ chính đáng” được pháp luật ghi nhận là một trong những tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, vì thế PVCĐ không phải tội phạm. Ngoài ra, trong khoa học pháp lý hình sự còn có một loại phòng vệ khác, đó là “phòng vệ tưởng tượng”.

    Mong rằng bài viết dưới đây phần nào giúp các bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa hai loại phòng vệ này.

    TIÊU CHÍ

    PHÒNG VỆ TƯỞNG TƯỢNG

    PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

    Định nghĩa

    Phòng vệ tưởng tượng là trường hợp một người do lầm tưởng có sự tấn công của người khác nên đã thực hiện hành vi chống trả gây thiệt hại cho họ.

    (Tiểu mục 1.2 phần I Chỉ thị  07-TANDTC/CT ngày 22 tháng 12 năm 1983. Tuy nhiên, hiện nay Chỉ thị này chỉ mang tính chất tham khảo vì không còn hiệu lực )

    Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

    (Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017).

    Cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ

    Phòng vệ tưởng tượng là dạng sai lầm về sự việc. Phòng vệ tưởng tượng thuộc 2 dạng sau:

    - Hoàn toàn không có một sự tấn công nào nhưng đã nhầm tưởng có sự tấn công.

    - Có sự tấn công nhưng đã nhầm lẫn người tấn công.

     

    Phòng vệ xuất phát từ việc thực tế có hành vi tấn công trái luật và có nguy cơ gây ra một thiệt hại ở mức độ đáng kể cho xã hội cần được bảo vệ.

    Thời điểm của hành vi tấn công: Hành vi tấn công phải đang hiện tại. Được coi là hành vi tấn công đang hiện tại có thể thuộc một trong các trường hợp sau:

    - Hành vi tấn công đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc.

    - Hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng có nguy cơ sẽ xảy ra ngay tức khắc. Nếu hành vi tấn công mới ở mức độ đe doạ mà chưa có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc mà đã thực hiện hành vi phòng vệ chống trả để gây thiệt hại cho người đe doạ được gọi là phòng vệ quá sớm. Người thực hiện hành vi phòng vệ quá sớm phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường.

    - Hành vi tấn công đã kết thúc nhưng nếu hành vi phòng vệ đi liền ngay sau hành vi tấn công và khắc phục được hậu quả của hành vi tấn công gây ra (trường hợp này chỉ có thể xảy ra đối với hành vi tấn công gây thiệt hại về tài sản).

    Giới hạn của hành vi phòng vệ

    Có thể xảy ra hai khả năng:
    Thứ nhất: Hành vi chống trả là vượt quá giới hạn cần thiết do sai lầm trong việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của sự tấn công, hoặc không có sự tấn công nào cả nhưng đã nhầm tưởng có sự tấn công.
    - Thứ hai: Người phòng vệ tưởng tượng chống trả trong mức “cần thiêt” để gạt bỏ sự tấn công (xét trên khía cạnh nếu sự tấn công đó có thật và xảy ra trên thực tế). Việc xác định tiêu chí chống trả “cần thiết” này các bạn có thể tham khảo ở cột bên, phần về phòng vệ chính đáng).

    Đối với hành vi phòng vệ phải đảm bảo về phạm vi phòng vệ: Hành vi phòng vệ phải là cần thiết”.

    Khi đánh giá hành vi chống trả có cần thiết hay không phải xem xét một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án: hoàn cảnh cụ thể, phải so sánh tương quan lực lượng, xem xét tính chất quan hệ xã hội mà kẻ tấn công đang xâm phạm, phương pháp, phương tiện, công cụ mà kẻ tấn công sử dụng cũng như điều kiện, khả năng phòng vệ của người phòng vệ… Vì vậy quy định về PVCĐ chỉ mang tính định tính chứ không mang tính định lượng.

    Trách nhiệm hình sự

    Hiện nay, trong một số sách báo pháp lý, vấn đề phòng vệ tưởng tượng cũng còn có những quan điểm khác nhau: Có quan điểm cho rằng phòng vệ tưởng tượng không phải là PVCĐ, vì không có cơ sở cửa quyền phòng vệ, vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn được đặt ra và được giải quyết như mọi trường hợp sai lầm khác.

    Theo Thạc sỹ Đinh Văn Quế, tạm chia thành 02 trường hợp:

    + Loại trừ TNHS:

    Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng chỉ được coi là không có lỗi khi hoàn cảnh cụ thể cho phép người đó tin một cách hợp lý là có sự xâm phạm thực sự và họ tin rằng là mình không bị nhầm, nếu đặt vào hoàn cảnh của người khác thì ai cũng sẽ bị nhầm như vậy.

    Ví dụ: Trong đêm tối, chị H đi gọi chồng ở xã bên về nhà đưa bố chồng đi bệnh viện. Khi đi qua đoạn đường vắng, chị bị 3 tên ra chặn đường cướp của chị đôi hoa tai bằng vàng. Khi gặp chồng, chị kể cho anh nghe về việc chị vừa bị cướp. Chồng chị H mượn con dao rồi dùng xe đạp đưa vợ về. Khi đi qua đoạn đường mà chị H vừa bị cướp thì có 3 người từ trong bụi cây đi qua đường; thấy vợ chồng chị H họ đứng lại. Chị H nói với chồng: “Đúng bọn này vừa cướp hoa tai rồi”. Chồng chị H xuống xe cầm dao lao vào 3 người chém túi bụi làm cho cả ba đều bị thương. Sau khi sự việc xảy ra mới biết 3 người này là tổ bảo bệ của Hợp tác xã vừa đi coi đồng về. Trong trường hợp này, hành động dừng lại giữa đường của 3 người trong hoàn cảnh cụ thể này làm cho vợ chồng chị H tin là bọn cướp và không chỉ có vợ chồng chị H mà ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ tin như vậy, nên được coi là phòng vệ tưởng tượng và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

    + Vẫn chịu TNHS:

    Nếu sự lầm tưởng lại không có căn cứ và trong hoàn cảnh cụ thể đó mọi người đều không thể lầm tưởng thì người có hành vi xâm hại đến tính mạng sức khoẻ của người khác phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Ví dụ: Nguyễn Văn H đang dạo chơi trong Công viên có nhiều người qua lại, thấy một người đang ngồi ở ghế đá đứng dậy lững thững đi về phía mình mà không nói năng gì, H liền rút dao trong người ra đâm người này một nhát vào bụng làm người này ngã gục. Sau khi sự việc xảy ra H cho rằng tưởng người này đến cướp tài sản của mình, nhưng căn cứ vào hoàn cảnh thực tế lúc xảy ra sự việc thì trường hợp của H không phải là phòng vệ tưởng tượng, nên H phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

    Là tình tiết loại trừ TNHS – không bị xem là tội phạm.

     

    Nguồn: Có sự tham khảo từ bài viết “Một số vấn đề phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” của Thạc sỹ Đinh Văn Quế.

     

     
    12060 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận