Phải làm gì khi UBND xã từ chối hòa giải tranh chấp đất đai?

Chủ đề   RSS   
  • #558017 18/09/2020

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Phải làm gì khi UBND xã từ chối hòa giải tranh chấp đất đai?

    Khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định rõ “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Tuy nhiên, khi cơ sở mà cụ thể là UBND cấp xã tại nơi có đất từ chối tổ chức hòa giải thì người dân phải giải quyết như thế nào?

    từ chối hòa giải tranh chấp đất đai

    Từ chối hòa giải tranh chấp đất đai-Ảnh minh họa

    Nhiều năm nay, gia đình anh Trí (Hoài Đức, Hà Nội) và hàng xóm kế bên xảy ra tranh chấp đất đai nhưng 2 bên không tìm được tiếng nói chung. Gia đình anh Trí sử dụng đất ổn định từ những năm 1980, ranh giới thửa đất được quy định rõ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng. Năm 2010, nhà hàng xóm sang nói chuyện với gia đình anh Trí và yêu cầu trả lại 100m2 dọc theo ranh giới giữa hai gia đình. Anh Trí không đồng ý vì đất gia đình anh đã sử dụng ổn định và được cấp sổ đỏ từ năm 1999, còn gia đình hàng xóm được cấp muộn hơn vào năm 2004.

    Từ khi xảy ra tranh chấp, 2 hộ gia đình đã gặp mặt nói chuyện với nhau nhiều lần nhưng không thể đi đến thống nhất. Quá mệt mỏi nên đầu tháng 8 vừa qua, anh Trí đã viết đơn đề nghị UBND xã tiến hành giải quyết tranh chấp, bước đầu là tổ chức hòa giải. Tuy nhiên, khi anh Trí nộp đơn thì UBND xã trả lại đơn và yêu cầu phải hòa giải tại thôn/xóm trước. Anh Trí thắc mắc UBND xã từ chối hòa giải như vậy có đúng với quy định của pháp luật hay không?

    Thắc mắc của anh Trí được Luật sư Giáp Văn Đức - Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) tư vấn như sau:

    1. UBND xã cho rằng phải hòa giải tại thôn/xóm trước rồi mới hòa giải tại xã là không đúng pháp luật

    Tranh chấp đất đai là việc hai hay nhiều bên tranh chấp quyền sử dụng đất. Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định khi xảy ra tranh chấp đất đai mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất đang tranh chấp để tiến hành hòa giải. Mặt khác, anh Trí cho biết trước khi gửi đơn đến UBND xã đề nghị hòa giải, hai bên đã chủ động gặp mặt nói chuyện với nhau nhiều lần, nhưng không tìm được tiếng nói chung. Như vậy, một trong các bên có quyền gửi đơn đề nghị đến UBND cấp xã nơi có thửa đất tranh chấp đề nghị hòa giải theo quy định của pháp luật.

    Điều đó có nghĩa việc anh Trí gửi đơn đề nghị hòa giải đến UBND cấp xã nhưng bị từ chối với lý do chưa hòa giải tại thôn/xóm trước là không đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này, anh Trí có thể khiếu nại hành vi trên của UBND xã theo Luật Khiếu nại năm 2011.

    2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND xã như thế nào?

    Hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai. Sau khi UBND cấp xã tiến hành hòa giải mà kết quả không thành thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới tham gia giải quyết hoặc người dân có thể khởi kiện vụ án tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

    Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã được hướng dẫn tại Điều 88 Nghị định số 43/2014 và được sửa đổi bởi Nghị định số 01/2017. Cụ thể, khi nhận được đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai của một trong các bên thì UBND cấp xã nơi có thửa đất tiến hành việc hòa giải như sau:

    - Thẩm tra, xác minh để tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp. Thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.

    - Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai gồm các thành phần như: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND (vai trò Chủ tịch Hội đồng hòa giải); đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, tổ trưởng tổ dân phố/ trưởng thôn, ấp, đại diện của một số hộ dân...

    - Sắp xếp cuộc họp hòa giải với sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lưu ý việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

    Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, trong đó có đầy đủ thông tin về: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải, thành phần tham dự hòa giải, tóm tắt nội dung tranh chấp, ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai, những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận...

    Biên bản trên phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi họp hòa giải, các bên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của UBND cấp xã.

    Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất thì Chủ tịch UBND cấp xã sẽ tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung. Sau đó Hội đồng phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

    Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết (theo Khoản 5 Điều 202 của Luật Đất đai).

    Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã cần lập biên bản hòa giải không thành. Sau đó, UBND xã sẽ hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo. Thời hạn tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai là không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.

    Luật sư Giáp Văn Đức (Luật TGS)

    Theo Batdongsan.com

     

     
    3931 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận