Pha ke là gì? Cá nhân buôn bán túi xách, quần áo pha ke bị xử phạt như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610984 26/04/2024

    Pha ke là gì? Cá nhân buôn bán túi xách, quần áo pha ke bị xử phạt như thế nào?

    Tôi có nghe nhiều người dùng từ pha ke, vậy luật có quy định về từ này không? Nếu cá nhân buôn bán hàng túi, quần áo pha ke giả mạo các thương hiệu lớn thì bị xử phạt như thế nào? 

    Pha ke là gì? Cá nhân buôn bán túi xách, quần áo pha ke bị xử phạt như thế nào?

    Pha ke là gì?

    Trong ngôn ngữ đời sống và trên mạng, "pha ke" hay "fa ke" cũng là cách đọc sai có chủ ý từ từ tiếng Anh "fake", mang nghĩa là "hàng giả". Cụm từ này thường được sử dụng để châm biếm hoặc hài hước chỉ hàng giả, hàng nhái.

    Còn trong pháp luật, căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, “hàng giả” đối với hàng hóa bao gồm:

    - Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

    - Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

    - Hàng hoá có nhãn hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hoá; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hoá hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa,

    Cá nhân buôn bán túi xách, quần áo pha ke bị xử phạt như thế nào?

    (1) Xử phạt hành chính:

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng "pha ke" hàng giả dao động từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm.

    Bên cạnh đó theo khoản 3,4 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP còn áp dụng thêm:

    - Hình phạt bổ sung:

    + Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định.

    + Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự..

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm.

    + Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả theo quy định.

    + Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định.

    (2) Truy cứu trách nhiệm hình sự:

    Người nào buôn bán hàng giả mà đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt như sau:

    - Hình phạt tiền:

    Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

    + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196, 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

    + Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    Ngoài ra, còn có thể phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    - Hình phạt tù:

    Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    Theo đó, cá nhân buôn bán hàng giả trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có thể bị phạt tù 01 năm đến 05 năm.

    Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

    Đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau:

    + Có tổ chức;

    + Có tính chất chuyên nghiệp;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    + Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    + Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    + Làm chết người;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

    + Buôn bán qua biên giới;

    + Tái phạm nguy hiểm.

    Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    Đối với người nào buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau:

    + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    + Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

    + Làm chết 02 người trở lên;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

    + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    Ngoài các hình phạt tù trên, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Như vậy, pha ke có thể hiểu là một cách đọc sai có chủ ý từ từ tiếng Anh "fake", mang nghĩa là "hàng giả". Nếu cá nhân buôn bán hàng túi, quần áo pha ke giả mạo các thương hiệu lớn thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tù.

     
    24 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận