Phá dỡ nhà ở đã có sổ hồng có cần đăng ký biến động đất đai không?

Chủ đề   RSS   
  • #610913 24/04/2024

    MewBumm
    Top 50
    Male
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/09/2017
    Tổng số bài viết (1958)
    Số điểm: 13068
    Cảm ơn: 16
    Được cảm ơn 250 lần


    Phá dỡ nhà ở đã có sổ hồng có cần đăng ký biến động đất đai không?

    Tình huống phát sinh là căn nhà của hai vợ chồng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, do đã xuống cấp nên muốn phá bỏ. Vậy khi không xây nhà mới mà phá bỏ như trên có cần đăng ký biến động đất đai không? 
     
    Trường hợp phải đăng ký biến động đất đai
     
    Liên quan vấn đề này, tại Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 có quy định việc đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
     
    - Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
     
    - Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
     
    - Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
     
    - Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
     
    - Chuyển mục đích sử dụng đất;
     
    - Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
     
    - Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
     
    - Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
     
    - Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
     
    - Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
     
    - Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
     
    - Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
     
    Theo quy định nêu trên thì trường hợp có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký thì phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động. Vì vậy, khi phá bỏ căn nhà, không xây dựng mới thì vô hình chung đã thay đổi thông tin về tài sản trên Giấy chứng nhận. Do đó, hai vợ chồng phải làm thủ tục đăng ký biến động để cập nhật lại thông tin chính xác nhất.
     
    Thủ tục đăng ký biến động khi phá bỏ tài sản trên đất
     
    Vấn đề này được hướng dẫn tại Điều 85 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:
     
    - Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;
     
    - Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
     
    - Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
     
    - Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;
     
    - Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
     
    Người sử dụng đất căn cứ theo thủ tục trên để thực hiện. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất kết hợp với đăng ký biến động thì thực hiện thủ tục quy định nêu trên đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
     
    35 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn MewBumm vì bài viết hữu ích
    admin (Cách đây 23 giờ, 21 phút)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận