Luật sư Đoàn Khắc Độ
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận Thủ Đức, thì Tuấn và Tân bị truy tố về Tội cướp giật tài sản, với tình tiết định khung tăng nặng là “dùng thủ đoạn nguy hiểm”, theo điểm d, khoản 2, Điều 136 Bộ luật Hình sự 1999 (BLHS).
Sau khi báo chí đưa tin, có nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia về định tội danh, xoay quanh các tội: Tội cướp giật tài sản; Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Quan điểm của tôi không nhằm mục đích buộc tội Tuấn và Tân, mà đây chỉ là quan điểm về mặt lý luận định tội.
TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN LÀ PHÙ HỢP NHẤT
Theo cáo trạng, Tân và Tuấn đói bụng nhưng không có tiền, bèn bàn bạc và thống nhất ghé tiệm tạp hóa Gia Huy, Tuấn ngồi sau xe hỏi mua 02 bịch chuối sấy, 01 ổ bánh mì ngọt, 01 bịch đậu phộng rang muối, 03 bịch me. Chị Yên chủ quán lấy hàng bỏ vào túi đưa cho Tuấn, thì Tuấn dùng tay trái giật lấy, Tân rồ ra chở Tuấn bỏ chạy.
Rõ ràng Tuấn đã có hành vi “giật lấy tài sản và nhanh chóng tẩu thoát”. Đây là dấu hiệu đặc trưng của Tội cướp giật tài sản.
Về mặt lý luận định tội cũng như diễn biến của Tội cướp giật tài sản trên thực tế, để dễ dàng cướp giật tài sản, thì người phạm tội có thể có những hành vi, thủ đoạn để tiếp cận tài sản, cách ly chủ tài sản,...như lén lút, lừa dối,... Nhưng khi giữ được tài sản rồi thì nhanh chóng tẩu thoát.
Việc định tội danh trong nhóm tội “chiếm đoạt tài sản” cần phải xét hành vi của người thực hiện tội phạm tại thời điểm chiếm đoạt tài sản, để xem hành vi ấy phù hợp với dấu hiệu đặc trưng của tội danh nào. Nếu chỉ xét hành vi, thủ đoạn (như lén lút, lừa dối,...) xảy ra trước thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt, thì rất dễ bị nhầm lẫn với tội danh khác.
Ví dụ: B giả vờ xin đi nhờ xe của nữ sinh viên C. C đồng ý và đưa B lái. Đi một đoạn, B giả vờ làm rơi chiếc mũ và nói C xuống lượm giùm. Khi C xuống lượm chiếc mũ thì B rồ ga bỏ chạy.
Ở đây, B đã có hành vi gian dối với C, nhưng hành vi gian dối này là nhằm tiếp cận với chiếc xe, nhằm cách ly C khỏi chiếc xe để dễ chiếm đoạt. Khi C ra khỏi xe đi lượm mũ thì B gồ ra nhanh chóng tẩu thoát. Vậy B có dấu hiệu phạm Tội cướp giật tài sản, chứ không phải Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trở lại vụ án trên, mặc dù Tuấn đã có hành vi gian dối với người bán hàng, nhưng hành vi này là nhằm tiếp cận với tài sản. Sau khi cầm được túi thức ăn rồi, thì Tân rồ ga nhanh chóng tẩu thoát.
Như vậy, qua mô tả của cáo trạng, thì hành vi của Tuấn và Tân có dấu hiệu của Tội cướp giật tài sản.
KHÔNG PHẢI LÀ TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Về mặt khách quan của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội lợi dụng sơ hở của chủ tài sản mà không có điều kiện bảo vệ tài sản, để chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Nhưng sơ hở của người chủ tài sản là do điều kiện khách quan. Nếu người phạm tội dùng thủ đoạn để tạo ra sơ hở của chủ tài sản, thì không phải là đặc trưng của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, mà tùy theo từng trường hợp, hành vi đó có thể phạm vào tội khác.
Mặc dù Tuấn và Tân chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Nhưng sơ hở, sự mất cảnh giác của chủ quán là do Tuấn tạo ra, chứ không phải do điều kiện khách quan.
Do đó, hành vi của Tuấn và Tân không thỏa mãn cấu thành của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
KHÔNG PHẢI TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Đặc trưng của tội này là người phạm tội có cả hai hành vi là “gian dối” và “chiếm đoạt”. Hành vi gian dối luôn có trước hành vi chiếm đoạt.
Về lý luận định tội cũng như thực tiễn, người bị hại khi giao tài sản thì chưa biết mình bị lừa, bị mất tài sản; sau một thời gian nhất định, người bị hại mới biết mình bị lừa.
Ở đây Tuấn có hành vi gian dối, nhưng hành vi này là nhằm tiếp cận với tài sản. Khi tiếp cận túi thức ăn rồi thì giật lấy và nhanh chóng tẩu thoát. Đồng thời, khi Tuấn giật túi thức ăn thì chủ quán đã biết mình bị mất tài sản. Đây là dấu hiệu đặc trưng của Tội cướp giật tài sản, chứ không phải Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
KHÔNG PHẢI TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Đặc trưng của tội này là người phạm tội nhận tài sản một cách hợp pháp bằng các hình thức hợp đồng. Sau đó mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản...
Cần lưu ý là hành vi “dùng thủ đoạn gian dối” phải có sau khi người đó nhận được tài sản. Nếu người phạm tội đã có hành vi gian dối trước khi nhận tài sản, thì tùy theo từng trường hợp, có thể phạm vào tội khác.
Ở đây, Tuấn và Tân đã có hành vi gian dối trước khi nhận túi thức ăn từ chủ quán. Do đó, hành vi của Tuấn và Tân không thỏa mãn dấu hiệu đặc trưng của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định hành vi của Tuấn và Tân phù hợp với cấu thành của Tội cướp giật tài sản.
Luật sư Đoàn Khắc Độ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức
Điện thoại: 0903 168 986
Email: do@luatdaiduc.vn
Website: www.luatdaiduc.vn