Chào bạn!
Vấn đề bạn quan tâm được quy định tại Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo phần II Nghị quyết này thì chỉ có vật chứng mới phải là hiện vật gốc. Còn các tài liệu đọc được có thể là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực. Trong đó bản chính có thể là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao. Ngoài văn bản trên thì tại mục 5 phần 1 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao còn đưa ra hai ví dụ cho thấy tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện có thể là bản sao. Như vậy, việc Toà án yêu cầu nộp hồ sơ, tài liệu gốc là không đúng.
Trong thực tế, việc Toà án có cho lấy lại văn bản hồ sơ gốc đã nộp hay không còn tuỳ thuộc vào kết quả giải quyết vụ án và tuỳ thuộc vào từng loại văn bản, hồ sơ đó. Ví dụ:
Nếu kết quả giải quyết vụ án là quyết định đình chỉ hay xử bác yêu cầu khởi kiện thì toàn bộ chứng cứ gốc phải được trả lại cho đương sự, Toà án chỉ giữ lại bản sao hoặc chưa có bản sao thì Toà án phải tự sao để lưu hồ sơ.
Hay trong vụ án ly hôn, nếu kết quả là cho ly hôn thì Toà án không trả lại bản gốc giấy đăng ký kết hôn vì quan hệ hôn nhân đã chấm dứt, nếu trả lại thì nó có thể được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Còn nếu kết quả là đình chỉ hay xử bác yêu cầu ly hôn thì phải trả lại để đương sự tiếp tục sử dụng.
Hoặc trong vụ án giải quyết về tranh chấp hợp đồng, tranh chấp đất đai, dù kết quả giải quyết như thế nào thì bản gốc giấy CNQSDĐ, bản gốc hợp đồng phải được trả lại để đương sự sử dụng, thực hiện.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!