Luật cũng không nói cụ thể, tốt nhất bạn nên xem bài phân tích này để hiểu rõ hơn.
Quy định về nơi cư trú là một chế định pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan đến các quan hệ dân sự của một cá nhân và quan hệ hành chính giữa một công dân với Nhà nước. Nơi cư trú của một cá nhân không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống, tồn tại về mặt sinh học mà về mặt pháp lý thì nơi đó cá nhân có thể xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự (theo nghĩa rộng), nơi mở thừa kế, nơi xác định một cá nhân mất tích hoặc đã chết, là căn cứ lựa chọn thẩm quyền giải quyết, lựa chọn pháp luật áp dụng khi giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, nơi công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước trong quan hệ hành chính,… Do đó, việc xác định không đúng nơi cư trú của một cá nhân chắc chắn sẽ đem đến một hậu quả pháp lý bất lợi cho một trong các bên có liên quan khi tham gia vào các quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ dân sự nói riêng. Tầm quan trọng là vậy, tuy nhiên thực tế hiện nay nhận thức của các cơ quan pháp luật về việc xác định nơi cư trú và nơi cư trú cuối cùng của cá nhân vẫn chưa bảo đảm sự chính xác, dẫn đến sự thiếu thống nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng dân sự.
Từ thực tiễn cho thấy, nguyên nhân của sự nhận thức thiếu thống nhất về việc xác định nơi cư trú của cá nhân trước hết là do các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này còn có sự khác nhau một cách cơ bản. Cụ thể đó là, tại Điều 52 của Bộ luật dân sự (Sau đây viết tắt là BLDS) năm 2005 quy định: “1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống”. Như vậy, BLDS năm 2005 đã không căn cứ vào tiêu chí về yếu tố quản lý hành chính là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú khi xác định nơi cư trú của cá nhân, đây là điểm mới có tính chất căn bản của chế định này so với BLDS năm 1995. Trong khi đó tại Điều 12 của Luật Cư trú (được ban hành ngày 29/11/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007) lại quy định là: “Nơi cư trú của công dân là chổ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú,…Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chổ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”. Như vậy, Luật Cư trú đã dựa vào hai tiêu chí song song đó là nơi thường xuyên sinh sống và nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú để xác định nơi cư trú của công dân. Từ sự khác biệt này nhiều người đã cho rằng quy định của BLDS và Luật Cư trú về việc xác định nơi cư trú là vênh nhau thậm chí là “đá” nhau, triệt tiêu lẫn nhau. Vậy, thực hư có đúng như nhiều người vẫn suy nghỉ như thế hay không (?)
Như trên đã nêu, BLDS năm 2005 đã quy định khác với BLDS năm 1995 về việc xác định nơi cư trú của cá nhân, tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều người làm công tác pháp luật vẫn chưa nhận ra điều này hoặc là nhận thấy nhưng lại nhận thức chưa chuẩn xác, phổ biến là khi giải quyết các vụ, việc dân sự. Cụ thể đó là, hiện nay các Toà án vẫn căn cứ vào yếu tố quản lý hành chính là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú của bị đơn, người vắng mặt nơi cư trú, người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, bị yêu cầu tuyên bố chết,... để xác định thẩm quyền giải quyết vụ, việc dân sự. Vậy, một câu hỏi về mặt pháp lý đặt ra cho chúng ta cần một lời giải đáp chuẩn xác và thống nhất là, việc các Toà án xác định như vậy có đúng với các quy định của pháp luật hiện hành hay không? Xung quanh vấn đề này hiện nay đang có hai quan điểm trái ngược nhau. Những người theo quan điểm như cách xác định đã nêu ở trên thì cho rằng: để xác định nơi cư trú của một cá nhân thì không thể căn cứ vào quy định tại Điều 52 của BLDS mà phải căn cứ vào quy định tại Điều 12 của Luật Cư trú, vì BLDS là luật chung, còn Luật cư trú là văn bản pháp luật chuyên ngành, trong khi về nguyên tắc áp dụng pháp luật mà Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định là, khi hai văn bản pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành. Vậy nên, khi xác định thẩm quyền giải quyết vụ, việc dân sự theo lãnh thổ thì cần phải căn cứ vào việc bị đơn đăng ký hộ khẩu thường trú tại đâu, người bị yêu cầu tìm kiếm khi vắng mặt tại nơi cư trú, người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, bị yêu cầu tuyên bố là đã chết đã đăng ký hộ khẩu thường trú cuối cùng tại đâu trước khi biệt tích.(1)
Theo quan điểm của cá nhân thì việc nhận thức như vậy là không chuẩn xác, không đúng với tinh thần hướng đến của các nhà làm luật. Để có nhận thức đúng đắn thì chúng ta cần phải xem xét một cách thấu đáo, tận gốc bản chất của vấn đề. Ngược thời gian quay trở lại với BLDS năm 1995 thấy rằng, về cốt lõi tại khoản 1 Điều 48 của BLDS năm 1995 đã quy định cơ bản giống như Điều 12 của Luật Cư trú hiện nay, đó là: “Nơi cư trú của một cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp cá nhân không có hộ khẩu thường trú và không có nơi thường xuyên sinh sống, thì nơi cư trú của người đó là nơi tạm trú và có đăng ký tạm trú”. Như vậy, điều dễ nhận thấy đó là quy định về nơi cư trú của cá nhân theo quy định của BLDS năm 1995 đã không căn cứ vào thực tế sinh động của các quan hệ dân sự trong cuộc sống thường ngày mà lại căn cứ vào yếu tố quản lý hành chính đó là nơi cá nhân có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Trong điều kiện nước ta đang phát triển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự năng động, nhạy bén trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, trong việc lựa chọn ngành nghề và nơi làm việc của mọi cá nhân thì việc một người ở địa phương này chuyển đến làm ăn, sinh sống tại một địa phương khác nhưng không cắt chuyển hộ khẩu thường trú hoặc không đăng ký tạm trú là chuyện khá phổ biến hiện nay. Trong trường hợp này nếu chỉ căn cứ vào yếu tố đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú để xác định nơi cư trú của họ là không hợp lý, thiếu khoa học. Bởi một lẽ là, pháp luật lấy tiêu chí nơi cư trú của bị đơn để xác định thẩm quyền giải quyết vừa là để tạo điều kiện thuận lợi cho cả đương sự lẫn cơ quan nhà nước trong việc giải quyết vụ, việc dân sự, vậy khi bị đơn ở nơi này mà lại giải quyết ở nơi khác thì liệu có thuận lợi cho cả Toà án và đương sự hay không (đối với nguyên đơn họ khởi kiện thì phải có trách nhiệm nhiều hơn). Do vậy, với thực tế sôi động của nền kinh tế, xã hội như hiện nay thì quy định về việc xác định nơi cư trú của BLDS năm 1995 đã trở thành một “chiếc áo bé khoác cho một cơ thể lớn” nên đã kìm hãm sự phát triển của các quan hệ kinh tế, xã hội. Nhận ra vấn đề này chính vì vậy mà khi xây dựng BLDS năm 2005 các nhà làm luật đã kịp thời “cởi trói” bằng việc bãi bỏ yếu tố quản lý hành chính mà chỉ quan tâm đến việc một người thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống tại đâu để xác định nơi cư trú của cá nhân. Đối với Luật Cư trú trong quá trình soạn thảo, thông qua cũng đã có nhiều người đề nghị bãi bỏ việc đăng ký hộ khẩu để giảm sự phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm ăn sinh sống và nhằm thực hiện tối đa quyền tự do cư trú của công dân mà Hiến pháp năm 1992 đãy quy định. Tuy nhiên, cuối cùng thì đề nghị này đã không được Quốc hội chấp nhận, bởi lẽ là chưa đến lúc, vì trong điều kiện nước ta hiện nay việc quản lý công dân bằng việc đăng ký hộ khẩu thường trú và tạm trú vẫn còn là cần thiết để giữ gìn, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn của xã hội.
Như vậy, quy định về việc xác định nơi cư trú của cá nhân trong hai văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có sự khác nhau là điều đã rõ và dễ hiểu, bởi hai văn bản luật có định hướng mục đích điều chỉnh khác nhau. Điều cần bàn là sự khác nhau này có mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau hay không, hiểu và áp dụng như thế nào trong từng quan hệ pháp luật? Theo tôi, chính việc cho rằng Luật Cư trú là văn bản pháp luật chuyên ngành nằm trong nội hàm của BLDS với tư cách là một luật chung (luật gốc) là không ổn về mặt nhận thức pháp lý. Bởi lẽ, BLDS là nguồn của pháp luật dân sự điều chỉnh hành vi xử sự của các chủ thể trong quan hệ dân sự, còn Luật Cư trú là nguồn của pháp luật hành chính điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với công dân trong quan hệ pháp luật hành chính về lĩnh lực cư trú. Hai văn bản quy phạm pháp luật này điều chỉnh hai mảng lĩnh vực quan hệ xã hội khác nhau và thuộc hai ngành luật khác nhau nên tuy có quy định khác nhau nhưng hoàn toàn không mâu thuẫn và không triệt tiêu lẫn nhau. Một vấn đề tuy là nhỏ nhưng cũng giúp chúng ta hiểu sâu hơn về vấn đề này, giúp xác định được Luật Cư trú là một văn bản pháp luật hành chính là hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật dân sự hoàn toàn không dùng thuật ngữ “công dân” như trước đây mà đã được thay bằng thuật ngữ “cá nhân” đây là hệ quả tất yếu của thời kỳ hội nhập quốc tế vì trong quan hệ dân sự không chỉ có công dân Việt Nam tham gia mà còn có cả các cá nhân là người nước ngoài, người không quốc tịch,… Trong khi đó ở Luật Cư trú hoàn toàn không dùng thuật ngữ “nơi cư trú của cá nhân” mà dùng thuật ngữ “nơi cư trú của công dân” vì đây là văn bản quy phạm pháp luật hành chính điều chỉnh quan hệ giữa nhà nước với công dân (người có quốc tịch Việt Nam) trong lĩnh vực cư trú. Do đó, trong quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật tố tụng dân sự bắt buộc phải căn cứ vào quy định tại Điều 52 của BLDS năm 2005 để xác định nơi cư trú của cá nhân. Như vậy, quan điểm về việc xác định nơi cư trú trong quan hệ pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự mà dựa vào yếu tố quản lý hành chính là đã sai ngay từ khi lựa chọn pháp luật áp dụng để giải quyết vấn đề. Chính từ sự nhận thức sai về việc xác định nơi cư trú kéo theo hậu quả là việc xác định về "nơi cư trú cuối cùng" cũng sai theo.
Phải thừa nhận một điều rằng hiện nay cả BLDS và BLTTDS đều chưa có quy định thế nào là nơi cư trú cuối cùng nên cũng đã gây không ít khó khăn cho công tác xét xử của các Toà án. Do pháp luật chưa có quy định, nên thực tế đã có người tham khảo, viện dẫn và vận dụng sự diễn giải của Từ điển Tiếng Việt để hiểu rằng: “cuối cùng” tức là: “đó là hết, là chấm dứt” để rồi kết luận: “Nơi cư trú cuối cùng của công dân được hiểu là: nơi công dân thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống tại đó là hết, là chấm dứt”(2). Cách định nghĩa này cũng chưa thoát khỏi khái niệm nơi cư trú và thực tế đã trùng với nơi cư trú. Mặt khác, một người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc biệt tích trong thời gian đủ điều kiện để tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết thì chưa hẳn là họ đã chết về mặt sinh học mà thường là họ đang cư trú một nơi nào đó mà người có quyền lợi liên quan yêu cầu Toà án giải quyết các việc nói trên không biết tin tức về họ mà thôi. Còn đối với một người đang sống thì khi họ chấm dứt cư trú tại nơi này nhưng sẽ tiếp tục cư trú tại một nơi khác, do đó nơi cư trú trước đó không thể coi là cuối cùng được. Do đó, việc hiểu rằng “nơi đang sinh sống tại đó là hết, là chấm dứt” chỉ có thể đúng với trường hợp người đó thực sự đã chết về mặt sinh học mà thôi, vì chỉ khi chết con người mới có thể chấm dứt việc cư trú. Vậy nên, để tiếp cận khái niệm nơi cư trú cuối cùng trong tố tụng dân sự không thể nhìn theo góc độ là nơi cư trú thực tế cuối cùng của người biệt tích (vì điều đó không thể nào xác định được) mà phải tiếp cận từ phía nhận thức, thu nhận tin tức của nguyên đơn, của người yêu cầu về nơi cư trú của người biệt tích. Tức là, nơi cư trú cuối cùng của người biệt tích là nơi cuối cùng mà nguyên đơn, người yêu cầu biết được người đã biệt tích thường xuyên sinh sống (hoặc sinh sống - tương xứng với việc xác định nơi cư trú) tại đó trước khi họ biệt tích (dĩ nhiên là phải có chứng cứ để chứng minh cho điều này).
Ví dụ: Chị C cư trú tại huyện H tỉnh Q kết hôn với anh T cư trú tại huyện B tỉnh N, sau khi kết hôn chị C đã cắt chuyển hộ khẩu về quê chồng là huyện B tỉnh N cư trú. Sau một thời gian chung sống giữa vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên chị C đã bỏ về nhà cha mẹ đẻ ở huyện H tỉnh Q sinh sống mà không cắt chuyển hộ khẩu thường trú cũng như không đăng ký tạm trú. Một thời gian sau đó chị C bỏ đi biệt tích trong một thời gian dài đủ điều kiện để tuyên bố là đã chết nên anh T đã làm đơn yêu cầu Toà án tuyên bố chị C là đã chết để khỏi bị ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân và hưởng thừa kế. Trong trường hợp này Toà án có thẩm quyền giải quyết phải là TAND huyện H tỉnh Q (nơi cư trú cuối cùng của chị C mà anh T biết được trước khi chị C biệt tích). Hoặc cũng trong ví dụ này nếu sau khi bỏ về nhà cha mẹ đẻ sinh sống một thời gian chị C lại đến huyện K tỉnh Đ làm ăn và chung sống như vợ chồng với anh S một thời gian dài tại đây, trong thời gian này chị C có viết thư về thăm các con, có địa chỉ cụ thể nhưng sau đó anh T vào để đón chị C về thì chị C và anh S đã bỏ đi đâu mà những người dân sống quanh đó cũng không biết chị C đi đâu, làm gì. Trong trường hợp này Toà án có thẩm quyền giải quyết phải là TAND huyện K tỉnh Đ (nếu theo cách lập luận của những người theo quan điểm dựa vào yếu tố quản lý hành chính như đã nêu trên thì, trong cả hai trường hợp trên đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện B tỉnh N, nơi chị C có hộ khẩu thường trú).
Sở dĩ BLTTDS quy định thẩm quyền giải quyết đối với các vụ án mà không biết địa chỉ của bị đơn; các loại việc dân sự như yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người đã chết là Toà án nơi cư trú cuối cùng của đương sự mà không quy định là nơi cư trú đầu tiên, thứ hai, hay thứ ba,…là bởi vì nơi cư trú cuối cùng của người biệt tích sẽ là nơi có manh mối gần nhất, sát nhất, nhiều thông tin nhất để nguyên đơn, người yêu cầu và cả Toà án nữa có điều kiện, có cơ hội tiếp cận, tìm kiếm thông tin hơn cả về tin tức của người đó. Việc hiểu như trên mới đúng tinh thần quy định của pháp luật và phù hợp với đòi hỏi của thực tế cuộc sống.
Vấn đề khó khăn trong việc xác định nơi cư trú và nơi cư trú cuối cùng của một cá nhân là ở chổ hiểu như thế nào là “thường xuyên sinh sống”, mức tối thiểu mà họ đã sống ở đó là bao nhiêu: ba tháng, sáu tháng, một năm hay phải lâu hơn nữa? Rõ là rất khó để trả lời cho câu hỏi này, nên đòi hỏi sự uyên thâm, sự tinh xảo trong nghề nghiệp của mỗi người Thẩm phán, để xác định cho từng trường hợp cụ thể mà không thể có một “mẫu số chung” cho tất cả mọi trường hợp.
(1) và (2) Xem bài “Bàn về một số vướng mắc thường gặp trong giải quyết vụ việc dân sự” của tác giả Đỗ Văn Chỉnh đăng trên Tạp chí TAND số 19 năm 2008.
Phạm Thái Quý
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Bình