Nợ trong thời kỳ hôn nhân được giải quyết thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #592480 15/10/2022

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần


    Nợ trong thời kỳ hôn nhân được giải quyết thế nào?

    Tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thường được nhắc đến rất nhiều trong các vụ việc ly hôn nhất là về nguyên tắc phân chia. Tuy nhiên, không những dừng lại ở đó, một trong những vấn đề khác cũng thường xuyên xảy ra tranh chấp khi giải quyết vụ việc ly hôn nữa đó là phân chia nghĩa vụ trả nợ sau khi ly hôn. 
     
    nọ-trong-thoi-ky-hon-nhan-duoc-giai-quyet-the-nao
     
    Việc giải quyết nợ chung, nợ riêng của vợ chồng sau khi ly hôn cũng rất khó giải quyết và dẫn đến nhiều tranh chấp dai dẳng, điều này cũng ảnh hưởng đến bên thứ ba. Vậy, trong trường hợp này nguyên tắc phân chia nghĩa vụ trả nợ sẽ được thực hiện như thế nào?
     
    1. Như thế nào được xem là nợ chung của vợ chồng khi ly hôn?
     
    Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng là trách nhiệm trả nợ của cả hai có phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể, theo Điều 37 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Theo đó, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
     
    (1) Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm.
     
    (2) Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
     
    (3) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
     
    (4) Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.
     
    (5) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường.
     
    (6) Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
     
    Như vậy, vợ chồng sẽ cùng chịu trách nhiệm về các khoản nợ chung mà cả hai đã phát sinh nếu thuộc các trường hợp nêu trên trong quá trình hôn nhân và buộc phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ kể cả sau khi ly hôn.
     
    Thông thường, nợ chung của vợ chồng phát sinh không nhất thiết phải cần hai bên cùng thỏa thuận xác lập mà có thể do một bên thực hiện theo quy định thì vợ chồng phải có nghĩa vụ cùng thanh toán.
     
    2. Nguyên tắc giải quyết nợ chung của vợ chồng
     
    Theo Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có nhắc đến trách nhiệm liên đới của vợ, chồng khi cả hai có phát sinh nghĩa vụ trong thời kỳ hôn nhân thì khi ly hôn:
     
    Vợ chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
     
    Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.
     
    Theo đó, vợ chồng sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ mà mình có phát sinh đối với bên thứ ba kể cả thông qua việc liên đới trách nhiệm.
     
    Cụ thể, giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn sẽ được thực hiện theo Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
     
    - Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
     
    - Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 Luật Hôn nhân gia đình 2014 và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
     
    Bên cạnh đó, người thứ ba có liên quan đến trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của vợ chồng còn được bảo lãnh theo Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
     
    Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
     
    Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
     
    Như vậy, vợ chồng chỉ phân chia nghĩa vụ trả nợ chung khi thuộc các trường hợp như trên sau khi ly hôn thì cả hai vẫn phải thực hiện nghĩa vụ này cùng nhau. Các khoản nợ không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hay không phát sinh vì mục đích chung hoặc thực hiện bồi thường chung thì không được xem là nợ chung.
     
    784 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (15/10/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #593207   30/10/2022

    Hong312
    Hong312
    Top 75
    Lớp 6

    Vietnam --> Đăk Lăk
    Tham gia:05/05/2021
    Tổng số bài viết (878)
    Số điểm: 7537
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 137 lần


    Nợ trong thời kỳ hôn nhân được giải quyết thế nào?

    Cảm ơn bài viết của bạn, thực tế đa số các cặp vợ chồng không thỏa thuận về chế độ tài sản, theo luật định thì dù không có thỏa thuận sau khi kết hôn chế độ tài sản tự động xác lập, nên không phải mọi khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân đều là nợ chung của vợ, chồng.; ngoài ra, vợ/chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình (đại diện giữa vợ, chồng trong quan hệ kinh doanh…). 

     
    Báo quản trị |