Bị Covid-19 có được hưởng chế độ "Tai nạn lao động"?
Trong Bộ luật Lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động có quy định về “tai nạn lao động” đối với người lao động (NLĐ). Trong những trường hợp này, tùy vào mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe mà người sử dụng lao động sẽ phải chi khoản hỗ trợ cho NLĐ của mình. Như vậy, nếu NLĐ vô tình bị lây nhiễm chéo Covid-19 tại công ty, doanh nghiệp, đây có được xem là “tai nạn lao động” hay không?
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì
“Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
Như vậy có thể xác định nếu NLĐ bị lây nhiễm Covid-19 trong quá trình thực hiện công việc tại Công ty, doanh nghiệp thì đây cũng được xem là tai nạn lao động.
Tuy nhiên, để biết được mức hỗ trợ của người sử dụng lao động đối với NLĐ trong trường hợp này ra sao, ta phải xem quy định tại Điều 45, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Theo đó, những yêu cầu để NLĐ có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại Mục 1 nêu trên.
Như vậy, phải có căn cứ cho thấy NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên sau khi mắc Covid-19 thì họ mới được hưởng chế độ tai nạn lao động! Nghĩa là không phải trường hợp nào người mắc Covid-19 tại nơi làm việc cũng được hưởng chế độ này.
Đối với bệnh nhân Covid-19, nhiều người sau quá trình cách ly, điều trị thì đã có thể trở lại đi làm bình thường và không bị bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe, với những trường hợp này, nếu NLĐ có căn cứ cho rằng mình đã bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, họ cần có xác nhận của cơ quan y tế để thông báo với doanh nghiệp của mình.
Thực tế hiện nay, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó gồm tiền hỗ trợ trong trường hợp phải ngừng việc, tạm hoãn HĐLĐ, hỗ trợ tiền ăn khi cách ly,… Mời các bạn xem chi tiết tại những bài viết sau:
>>> [HOT] Thủ tướng thông qua Nghị quyết về gói hỗ trợ 26.000 tỷ cho người gặp khó khăn do Covid-19
>>> Quyết định mới của Thủ tướng: Hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết 68
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 10/07/2021 03:55:49 CH