Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
2. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.”
Theo đó, trong trường hợp các cá nhân, tổ chức muốn tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì sẽ liên hệ Văn phòng Công chứng để nhận thông báo niêm yết di sản thừa kế về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản hoặc UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết để thực hiện niệm yết trên bảng thông báo của UBND cấp xã trong vòng 15 ngày. Trong thông báo niêm yết di sản thừa kế đó sẽ có thông tin về người để lại di sản, người nhận di sản và di sản được khai nhận là gì. Sau khi hết 15 ngày, UBND cấp xã nơi niêm yết sẽ trả thông báo niêm yết lại với xác nhận là di sản được khai nhận đó có tranh chấp hay không. Căn cứ vào đó, Văn phòng Công chứng sẽ tiến hành thủ tục để các bên có liên quan ký văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc từ chối di sản thừa kế.
Trên thực tế, việc niêm yết tại UBND cấp xã như vậy chỉ mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả. Bởi vì, việc niêm yết ở UBND cấp xã không được phổ biển rộng rãi, những cá nhân, tổ chức có liên quan đến tài sản hiện đang được khai nhận là di sản thừa kế khó có thể biết để có ý kiến bảo vệ quyền lợi của mình. Ví dụ: ông A và ông B tranh chấp về quyền sử dụng đối với một mảnh đất khoảng 200m2. Tranh chấp chưa được giải quyết thì ông A mất. Khi đó, các con ông A tiến hành làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và sang tên mảnh đất cho một trong những người con của ông A. Việc khai nhận di sản thừa kế này có được niêm yết tại UBND cấp xã nhưng ông B không biết và không thể biết do các con của ông A âm thầm đi làm thủ tục. Như vậy là ảnh hưởng đến quyền lợi của ông B.
Theo em, quy định này cần thay đổi theo hướng ngoài việc niêm yết tại UBND cấp xã thì cũng phải gửi thông báo niêm yết đến các cá nhân là người thừa kế hợp pháp. Đồng thời, sau khi nhận được thông báo niêm yết, UBND cấp xã cần cử cán bộ địa chính hoặc cán bộ có liên quan tiến hành xác minh tình trạng tài sản đang được khai nhận là di sản xem có tranh chấp không để đảm bảo quyền lợi cho các bên có liên quan. Điều đó giúp cho việc thực hiện thủ tục khai nhận di sản chắc chắn hơn, đảm bảo không có tranh chấp hay khiếu nại về sau.