Liên quan đến mã số thuế từ trước đến nay Dân Luật nhận được nhiều câu hỏi, chẳng hạn như thủ tục để cấp mới mã số thuế cho người phụ thuộc như thế nào? Hoặc xử lý ra sao nếu 1 người có tới 2 mã số thuế…? Để tổng hợp giải đáp cho các bạn các vấn đề liên quan đến mã số thuế, nay tôi lập ra topic này hi vọng sẽ trả lời đủ những vướng mắc thường gặp liên quan đến mã số thuế.
Trong trường hợp phát sinh các tình huống khác liên quan đến mã số thuế, bạn cũng có thể đặt câu hỏi tại đây để được giải đáp.
Lưu ý là bài viết chỉ đề cập đến mã số thuế (MST) cá nhân.
1. Mã số thuế là gì?
Là một dãy số, chữ cái hoặc ký tự do cơ quan quản lý thuế cấp cho người nộp thuế để nhận biết, xác định từng người nộp thuế và thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
MST của cá nhân có cấu trúc như sau:
N1N2 N3N4N5N6N7N8N9 N10
Chú thích:
N1N2: số phân khoảng tỉnh cấp MST
N3N4N5N6N7N8N9: theo cấu trúc tăng dần từ 0000001 đến 9999999.
N10 : chữ số dùng để kiểm tra.
2. Một người có thể có bao nhiêu MST?
Mỗi cá nhân chỉ được cấp duy nhất 01 MST để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. MST này cũng được dùng trong trường hợp cá nhân kinh doanh và cá nhân là người đại diện hộ kinh doanh.
3. Chưa đi làm thì có thể có MST không?
Có thể có MST khi chưa đi làm nếu bạn là người phụ thuộc. Nghĩa là cha hoặc mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bạn đi làm, có MST thì để được giảm trừ gia cảnh theo quy định hiện hành là 3.6 triệu/tháng thì cha/mẹ/người trực tiếp nuôi dữơng bạn phải làm thủ tục cấp MST cho bạn.
MST này sẽ gắn liền với bạn cho đến khi bạn đi làm (nghĩa là có phát sinh nghĩa vụ thuế với nhà nước)
4. MST có giống sim điện thoại không? Người này không dùng thì khóa lại và chuyển cho người khác?
Câu trả lời là không, bởi vì mã số thuế đã cấp không được dùng lại để cấp cho người nộp thuế khác.
5. Làm sao để biết được mình đã có MST hay chưa?
Bạn có tra cứu thông tin tại đây, chỉ cần bạn nhập thông tin họ tên và số CMND của mình. Nếu đã có MST, nó sẽ hiện ra MST và thông tin ghi chú tình trạng MST có đang hoạt động hay không?
6. Thủ tục để được cấp MST ra sao? Có tốn tiền và mất thời gian bao lâu để được cấp?
Thứ nhất về thủ tục:
Trong trường hợp bạn đi làm tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thì bạn có thể ủy quyền cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để làm thủ tục thay bạn và người phụ thuộc của bạn.
Tuy nhiên, bạn cần phải chuẩn bị các giấy tờ sau để nộp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp:
- Đối với bản thân:
+ Văn bản ủy quyền.
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (đối với công dân Việt Nam).
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu còn hiệu lực (đối với người nước ngoài và người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài)
- Đối với người phụ thuộc:
+ Văn bản ủy quyền.
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (người phụ thuộc là người Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Giấy khai sinh còn hiệu lực (người phụ thuộc là người Việt Nam dưới 14 tuổi)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu hoặc Giấy khai sinh còn hiệu lực (người phụ thuộc là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài)
Trường hợp bạn làm tự do, không cố định tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nào thì bạn có thể tự đi làm thủ tục cấp MST cho bản thân và người phụ thuộc theo thủ tục sau:
- Nếu bạn là cá nhân kinh doanh:
Bạn cần chuẩn bị hồ sơ:
+ Tờ khai đăng ký thuế mẫu 03-ĐK-TCT và các bảng kê (nếu có) (file đính kèm).
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (đối với công dân Việt Nam).
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu còn hiệu lực (đối với người nước ngoài và người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài)
Thời hạn phải nộp hồ sơ: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Địa điểm: Chi cục Thuế nơi đặt trụ sở chính.
Lưu ý: không áp dụng việc nộp hồ sơ này cho việc kinh doanh tại biên giới, cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu.
- Nếu bạn không là cá nhân kinh doanh:
Đối với bản thân:
+ Tờ khai đăng ký thuế mẫu 05-ĐK-TCT (file đính kèm).
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (đối với công dân Việt Nam).
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu còn hiệu lực (đối với người nước ngoài và người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài)
Đối với người phụ thuộc:
+ Tờ khai đăng ký người phụ thuộc của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công theo mẫu 20-ĐK-TCT (nhớ đánh dấu vào ô “Đăng ký thuế” và ghi đầy đủ các thông tin)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (người phụ thuộc là người Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Giấy khai sinh còn hiệu lực (người phụ thuộc là người Việt Nam dưới 14 tuổi)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu hoặc Giấy khai sinh còn hiệu lực (người phụ thuộc là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài)
Địa điểm: Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú)
Thứ hai về chi phí: Không mất phí.
Thứ ba về thời hạn được cấp MST: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
7. Có thể làm thủ tục cấp MST qua mạng được không?
Hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, chỉ có cơ quan chi trả thu nhập mới có thể làm thủ tục cấp MST qua mạng thông qua trang https://www.tncnonline.com.vn/Pages/dangkythue.aspx
8. Vừa được cấp thẻ căn cước công dân, có phải làm thủ tục gì liên quan đến MST không?
Có, bạn phải làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế. Cụ thể:
- Đối với cá nhân kinh doanh:
Bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
+ Tờ khai điều chỉnh thông tin đăng ký thuế mẫu 08-MST (file đính kèm)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (đối với công dân Việt Nam).
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu còn hiệu lực (đối với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài)
- Đối với cá nhân không kinh doanh tự làm thủ tục và người phụ thuộc:
+ Tờ khai điều chỉnh thông tin đăng ký thuế mẫu 08-MST
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (đối với công dân Việt Nam).
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu còn hiệu lực (đối với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực (đối với người phụ thuộc là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Giấy khai sinh (đối với người phụ thuộc là công dân Việt Nam duới 14 tuổi)
+ Bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu hoặc Giấy khai sinh còn hiệu lực (đới với người phụ thuộc là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sống ở nước ngoài)
- Đối với cá nhân thay đổi thông tin bản thân hoặc người phụ thuộc qua cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nơi mình đang làm việc:
Nộp bản sao không yêu cầu chứng thực các giấy tờ có thay đổi thông tin liên quan đến đăng ký thuế cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Thời hạn cập nhật thông tin: trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
9. Trường hợp nào thì MST hết hiệu lực được sử dụng?
Đối với cá nhân kinh doanh: Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do vi phạm pháp luật
Lưu ý:
- Việc chấm dứt hiệu lực MST chỉ chấm dứt đối với hoạt động kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân. Còn MST của đại diện hộ gia đình không bị chấm dứt hiệu lực và được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thuế của cá nhân đó.
- Tuy nhiên, khi chấm dứt hiệu lực MST của hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của mình.
Đối với cá nhân không kinh doanh: Chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật
10. Đã bị chấm dứt hiệu lực MST thì khôi phục lại được không?
Có thể khôi phục lại trong các trường hợp sau:
- Đã có Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành Quyết định thu hồi mà người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục MST và cam kết thanh toán các nghĩa vụ thuế với nhà nước và chấp hành xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
- Đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST đến cơ quan thuế nhưng chưa được cơ quan thuế ban Thông báo chấm dứt, đề nghị được tiếp tục hoạt động trở lại.
- Cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc trường hợp chấm dứt hiệu lực MST do lỗi của cơ quan thuế.
- Người nộp thuế đã bị Tòa án tuyên bố mất tích nay đã trở về, đã bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự nay đã khôi phục đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
11. Trường hợp 1 người có đến 2 MST thì làm thế nào?
Cơ bản là bạn phải làm thủ tục đóng 1 MST.
* Khi nhận được kết quả báo trùng số CMND trên hệ thống Đăng ký thuế các cấp, Cục Thuế, Chi cục Thuế tiến hành các bước xác minh như sau:
Bước 1: Kiểm tra thông tin CMND đã nhập vào các hệ thống đăng ký MST với thông tin trên hồ sơ gốc của cá nhân đó:
- Nếu do người sử dụng nhập nhầm số CMND thì tiến hành cập nhật lại thông tin trên hệ thống cho đúng với thông tin trên hồ sơ gốc của người đó.
- Nếu số CMND trên hệ thống đã khớp đúng với thông tin trên hồ sơ gốc thì thực hiện tiếp bước 2 dưới đây.
Bước 2: Thực hiện tra cứu thông tin của cá nhân đó trên trang web tncnonline.com.vn (có thể tra cứu theo MST hoặc số CMND)
- Nếu thông tin của cá nhân bị trùng CMND khớp với thông tin cá nhân của người nộp thuế liên quan (Tên, ngày sinh, số CMND, ngày cấp CMND):
o Trong trường hợp hệ thống cho phép thay thế thì người sử dụng thực hiện thay thế trên chức năng của ứng dụng
o Trong trường hợp không được thay thế thì Cơ quan thuế làm việc với người nộp thuế để làm các thủ tục theo quy định đăng ký thuế hiện hành
Ví dụ:
+ Trường hợp người nộp thuế có có 2 MST TNCN trở lên thì cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế làm thủ tục đóng 1 MST và chỉ sử dụng MST còn lại.
+ Trường hợp người nộp thuế làm hồ sơ đăng ký mới và bị báo trùng với 1 MST mà NNT đã được cấp và đang ở trạng thái hoạt động thì cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế đăng ký cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc MST mà người nộp thuế đã được cấp.
- Nếu thông tin của cá nhân bị trùng CMND không khớp với thông tin cá nhân của người nộp thuế liên quan (Tên, ngày sinh, số CMND, ngày cấp CMND):
o Thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 4313/TCT-CNTT ngày 21/10/2009.
Cụ thể như sau: Thực hiện xử lý trùng CMND trên hệ thống đăng ký MST bằng cách nhập bổ sung thêm 03 ký tự là ký tự viết tắt tên tỉnh. (Ví dụ: Nam Định viết tắt là NDI, Hà Nam là HNA, Hà Nội là HAN, Đồng Nai là DON; Bà Rịa -Vũng Tàu là BRV v.v…) vào sau ô CMND của cá nhân đó và thực hiện việc đăng ký MST theo đúng quy trình đăng ký thuế hiện hành.
o In và lưu kết quả tra cứu thông tin của cá nhân báo trùng vào hồ sơ đăng ký thuế của cá nhân
Cơ sở pháp lý: Thông tư 95/2016/TT-BTC và Thông tư 110/2015/TT-BTC, Công văn 1054/TCT-TNCN
Cập nhật bởi ChuTuocLS ngày 31/08/2016 02:51:14 CH