Một trong những thực trạng đáng lưu ý hiện nay trong vấn đề giao kết hợp đồng thử việc là tình trạng giao kết hợp đồng thử việc không đúng đối tượng, quá thời gian thử việc mà pháp luật cho phép, người sử dụng lao động (NSDLĐ) không ký kết hợp đồng lao động sau khi thử việc trong khi người lao động (NLĐ) vẫn đang tiếp tục làm việc. Bài viết này, chúng tôi sẽ nêu lên một số vấn đề đáng lưu ý khi NSDLĐ giao kết hợp đồng thử việc với người lao động theo quy định mới nhất hiện nay.
Khoản 1 Điều 26 Bộ luật lao động hiện hành quy định về thử việc như sau:
“1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.”
Theo đó, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận với nhau về việc làm thử và giao kết hợp đồng thử việc và phải tuân theo quy định Bộ luật Lao động hiện hành. Khi giao kết hợp đồng thử việc, cần lưu ý những vấn đề sau:
-Không thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ. (Khoản 2 Điều 26)
-Chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc. (Điều 27)
-Không thử việc quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác. (Khoản 1, 2, 3 Điều 27)
-Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Nếu NSDLĐ vi phạm quy định trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt khi vi phạm quy định về thử việc theo khoản 5 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP như sau:
1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ;
b) Không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc trả đủ 100% tiền lương của công việc đó cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động còn phải lưu ý rằng: Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động (khoản 1 Điều 29). Người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu vi phạm quy định này. (khoản 4 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP).
LDL mong rằng bài viết trên có thể phần nào đó giúp bạn đọc nắm bắt kiến thức về các vấn đề pháp lý phát sinh trong lĩnh vực lao động khi giao kết hợp đồng thử việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu bạn đọc gặp những vấn đề pháp lý, đừng ngần ngại hay chần chừ, hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi hoặc gọi đến tổng đài 1900.599.929 để được trao đổi cụ thể và tư vấn cũng như nhận được những dịch vụ pháp lý tốt.
Trân trọng kính chào!
Công Ty Luật TNHH LDL
LÊ XUÂN CẢNH
Công ty Luật LDL
77 Tiểu La - Quận Hải Châu - Thành phố Đà Nẵng
Facebook : www.facebook.com/luatsuonline