Quan hệ bảo lãnh, đặc biệt là bảo lãnh ngân hàng đang trở nên phổ biến trong tình hình kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Nhưng không phải ai cũng nắm rõ, đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Thông tư 07/2015/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng, Khoản 1 điều 3 quy định như sau:
".Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh."
Như vậy khi bên được bảo lãnh không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với bên nhận bảo lãnh thì ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Tuy nhiên có nhiều cấp độ, hình thức bảo lãnh ngân hàng phức tạp hơn, đó là: Bảo lãnh đối ứng và xác nhận bảo lãnh.
"Bảo lãnh đối ứng là một hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên bảo lãnh đối ứng cam kết với bên bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bên bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng". ( khoản 2 điều 3 thông tư 07/2015/NHNN)
Trường hợp này có thể giải thích dễ hiểu như sau: có 4 bên trong quan hệ , ngoài bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh ra, còn có bên bảo lãnh đối ứng. Khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình cho khách hàng ( bên nhận bảo lãnh) thì trước hết bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh ( như trường hợp trên). Sau đó bên bảo lãnh đối ứng sẽ thực hiện nghĩa vụ đó, trả lại khoản tiền đã trả cho bên bảo lãnh.
Một trường hợp nữa là xác nhận bảo lãnh, được quy định tại khoản 3 điều 3 thông tư 07/2015/NHNN, như sau:" Xác nhận bảo lãnh là một hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên xác nhận bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Bên xác nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên bảo lãnh nếu bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; bên bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên xác nhận bảo lãnh, đồng thời bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh."
Quan hệ này cũng có 4 bên: Bên được bão lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên bảo lãnh và bên xác nhận bảo lãnh. Đây có thể được xem là " Bảo lãnh của bảo lãnh". Khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay đối với bên nhận bảo lãnh ( quan hệ bảo lãnh bình thường). Nếu bên bảo lãnh vẫn không thực hiện thì lúc này bên xác nhận bảo lãnh sẽ thực hiện thay, thanh toán cho khách hàng ( bên nhận bảo lãnh). Như vậy quan hệ bảo lãnh sẽ được thực hiện 2 lần.
Quy định này của pháp luật hơi trừu tượng và khó hiểu, nhưng chúng ta cần thiết phải hiểu và nắm rõ những quan hệ có thể nói là then chốt trong tình hình hiện nay.