Nhà thơ, nhà viết kịch ĐOÀN PHÚ TỨ chống tham nhũng (Trích BA PHÚT SỰ THẬT của Nhà văn Phùng Quán)
#0000ff;">Cách đây đã nhiều năm… Một buổi trưa mùa hè, tôi ra bãi An Dương phía ngoài đê sông Hồng, tìm thăm nhà thơ Đoàn Phú Tứ, tác giả bài thơ bất hủ Màu thời gian. Năm đó nhà thơ đã ngoài 70 tuổi. Nắng hè thiêu đốt nóng đến ngạt thở. Tôi thật sự kinh khiếp khi thấy ông tóc bạc trắng, cởi trần, thản nhiên ngồi đọc sách trên bức phản gỗ mọt, mặc cho mồ hôi chảy đầm đìa trên mặt, trên lưng, giọt giọt từ chòm râu xuống những trang Ngôi nhà búp bê của Íp-en. Ông đặt sách xuống tiếp tôi ông gần như dốc ngược chai rượu mới được đầy một chén, và sẻ cho tôi một nửa. Tôi đọc ông nghe bài thơ vừa mới viết về đề tài kháng chiến. Đọc đến câu: Giữa chiến khu võ vàng đói khát, Cả tiểu đội tôi chỉ còn mắt với răng…, ông đặt chén rượu đã uống cạn xuống, ngắt lời tôi: "Chỉ vì những người lính - chỉ còn mắt với răng" các cậu mà năm đó mình đã đụng độ với thằng Trần Dụ Châu… Cậu có biết Trần Dụ Châu không?" Tôi nói: "Những người lính chống Pháp bọn em, ai mà không biết Trần Dụ Châu…". Hắn là Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu, trông coi việc ăn mặc cho toàn quân. Ngày đó chúng tôi thường gọi: "Màn Trần Dụ Châu", vì mỗi cái màn lính hắn ăn cắp mất hai tấc vải, nên hễ ngồi lên là đầu đụng trần màn; "Áo mền trấn thủ Trần Dụ Châu" vì hắn ăn cắp bông lót trong áo, trong mền và thay vào bằng bao tải… Nét mặt ông vụt sa sầm khi nghe tôi nhắc lại những chuyện đó. Kỷ niệm một thời hào hùng đánh giặc cứu nước bất ngờ ập đến, cặp mắt già nua của nhà thơ lóe ánh giận dữ. Ông kể:
Mùa đông năm 1949, ông ở chiến khu Việt Bắc. Là nhà thơ, ông còn là đại biểu Quốc hội khóa I. Ông cùng với một đoàn nhà văn đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội vừa đánh giặc trở về. Ông đã khóc nấc lên khi thấy các chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men, bông băng, và hầu hết chiến sĩ đều rách rưới, "võ vàng đói khát", "chỉ còn mắt với răng", mà mùa đông năm đó tiết trời chiến khu lạnh tới mức nước đóng băng… Ông trở về cơ quan chân ướt chân ráo thì nhận được thiệp mời của Trần Dụ Châu, đến dự lễ cưới mà hắn đứng ra tổ chức cho cán bộ cấp dưới đặc biệt thân cận, phụ trách công tác vật tư, tên là Lê Sĩ Cửu.
Ông bước vào phòng cưới mà cứ ngỡ mình nằm mê. Cái hội trường dựng bằng tre nứa, lợp lá gồi, sáng trưng những dãy bạch lạp to bằng cổ tay. Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bê thui, rượu tây, cốc thuỷ tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Ban nhạc sống của nhạc sĩ Canh Thân được mời từ khu 3 lên tấu nhạc réo rắt…
Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới, theo sau hắn là một vệ sĩ cao lớn, súng "côn bạt" đeo xệ bên hông. Tân khách ngồi chật kín hội trường, mắt hau háu nhìn bàn tiệc. Rượu vang đỏ rót đầy các cốc. Vị chủ hôn Trần Dụ Châu oai phong, đỏ đắn, đầy quyền uy bước ra tuyên bố làm lễ thành hôn cho đôi vợ chồng mà hắn đỡ đầu, và trịnh trọng mời tân khách nâng cốc… trong tiếng nhạc vang lừng. Nhìn thấy nhà thơ ngồi ở bàn đầu, hắn liền tươi cười giới thiệu: "Đám cưới hôm nay có một vị khách đặc biệt là ông Đoàn Phú Tứ, nhà thơ cự phách cửa nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Xin mời nhà thơ nổi tiếng lên đọc một bài thơ mừng cô dâu chú rể và quý vị tân khách".
Đoàn Phú Tứ đứng lên, mắt đăm đăm nhìn cốc rượu vang đỏ như máu đầy tràn trước mắt… Ông bỗng thấy giận run lên với ý nghĩ: "Bọn võ biền đốn mạt đầy quyền uy này, đã quen coi thi sĩ là kẻ nô bộc, và thơ là món đồ trang sức, một thứ gia vị cho bữa ăn tội lỗi của chúng thêm ngon miệng… Chúng sẽ được thơ dạy cho một bài học đích đáng!…". Ông ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt Trần Dụ Châu, nói lớn, nhấn mạnh từng từ một cho tất cả những người dự tiệc cưới đều nghe thấy: "Tôi xin đọc tặng vị chủ hôn, cô dâu chú rể và tất cả các vị có mặt hôm nay, một câu thơ hay nhất mà tôi vừa chợt nghĩ ra"… Khắp các bàn tiệc dậy lên tiếng xì xào tán thưởng: "Hoan hô Xuân Thu Nhã Tập! Hoan hô thi sĩ Đoàn Phú Tứ!". Chắc phải hay hơn câu nghìn trùng e lệ phụng quân vương (1) … Chờ cho tiếng xì xào im hẳn, nhà thơ nói tiếp: Câu thơ đó như sau: "Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ! – "Láo", Trần Dụ Châu mặt vụt tái nhợt quát to. Tiếp liền theo đó là tên vệ sĩ của hắn xông tới tát bốp vào mặt nhà thơ. Nhà thơ lặng lẽ rút khăn tay lau mặt, ném khăn xuống đất, rồi nhổ vào cốc rượu đỏ như máu đầy tràn trước mặt, và đĩnh đạc bước ra khỏi phòng cưới.
Ngay đêm hôm đó, nhà thơ viết một bức thư dài gửi lên Hồ Chủ Tịch, trình bày toàn bộ sự việc.
Một tuần sau tòa án quân sự được thiết lập cũng tại khu vực hội trường đó. Trần Dụ Châu bị điệu ra trước vành móng ngựa, cúi đầu nhận hết mọi tội lỗi, và lãnh án tử hình vì tội tham nhũng. Hồ Chủ Tịch đã tự tay ký vào bản án tứ hình. Đó là bản án tử hình đầu tiên mà Người đã ký, kể từ ngày Người lên nhậm chức Chủ tịch nước (2).
"Thế còn chú rể Lê Sĩ Cửu?". Tôi hỏi. "Hắn tự sát trong nhà tù để khỏi phải phơi mặt trước vành móng ngựa". Tôi nâng chén rượu chưa kịp uống, dâng lên nhà thơ và nói: "Vô cùng cảm ơn anh. Anh đã làm vinh quang cho thi sĩ của đất nước. Người đầu tiên đứng lên chống hiểm họa tham nhũng tàn hại đất nước không phải ai khác, mà chính là thi sĩ, mà đã chống một cách can đảm, dữ dội và quyết liệt biết chừng nào!".
Chú thích:
(1) Câu thơ trong bài Màu thời gian.
(2) Tôn trọng tác giả đã quá cố, chúng tôi in nguyên bản thảo, song nhận thấy có môt vài điểm cần nói thêm. Theo tư hệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh thì thời gian xảy ra vụ án Trần Dụ Châu là cuối năm 1950. Trong biên bản cuộc họp Hội đồng Chính phủ các ngày 15, 16 và 17-11-1950 do Hồ Chủ Tịch chủ tọa, mục thứ 35 kiểm điểm vụ án này. Tại đây Người đã phát biểu: "Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân. Xã hội ham danh, ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đấy là khuyết điểm".
Điều nữa là chúng ta không có sư phê bình và tự phê bình. Chúng ta hay nể nả nhau nên chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm thanh cao tự thủ thế là không đu. Tất cả chúng ta phải phụ trách trước nhân dân".
Một điểm nữa mà theo pháp luật, bản án tử hình chỉ do tòa án xử. Chủ tịch nước chỉ ký sắc lệnh đối với đơn xin ân xá. Trước vụ án Trần Dụ Châu đã có một sắc lệnh do Người ký bác đơn xin ân xá môt án tử hình xảy ra ở miền Trung.
Chưa thấy có sắc lệnh nào của Người liên quan đến vụ án Trần Dụ Châu.
(Chú thích của Tạp chí Xưa & Nay, số 31-9 -1996
==================================================================================
Nhà thơ Tản Đà chống tham nhũng
TP - 80 năm trước, năm 1927, nhà thơ Tản Đà cho đăng trên An Nam tạp chí số 8/1927 bài thơ" Xem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề". Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên trong văn chương chữ quốc ngữ trực diện chống tham nhũng ở nước ta.
#0163bb; font-size: 11pt;">Xem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề
Thật có hay là mắc tiếng oan
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!
Hơi đồng đã sạch mồm quan lớn
Mặt sắt còn bia miệng thế gian
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Đào mà đào được nên đào mãi
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An.
Đất Vĩnh An mà Tản Đà nói ở đây là tỉnh Vĩnh Yên. Cái chữ “đào” mà cụ cứ day đi day lại ở câu 7 là vừa để tả cái động tác đục khoét lì lợm, vừa để khéo vạch mặt chỉ tên một gã quan chức họ Đào khét tiếng tham nhũng đương thời: Đó là Tuần phủ Vĩnh Yên.
Đầu đuôi thế này: Nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài, Tuần phủ Vĩnh Yên lúc đó đã ăn của đút hai ngàn rưởi đồng. Bạn có tưởng tượng nổi hai ngàn rưởi đồng vào thời đó lớn nhỏ cỡ nào không?
Hãy đọc đoạn sau đây trong cuốn “Giấc mộng con” của Tản Đà: “Một trăm đồng bạc của ông khách đưa cho tôi hôm ấy, ngày hôm sau đem trả nợ tiền hành phí đi vay cùng là chi tiêu về hai chỗ nhà thuê ở làng Sa La, tỉnh Hà Đông, tất cả hết đi 50 đồng, còn 50 đồng để tổ chức báo quán” (Nhân tiện ghi chú thêm, ông khách đó chỉ là một người bạn mới quen, do quý trọng tài đức của Tản Đà mà đã hào phóng giúp thi sĩ một cách vô tư).
Qua sự Tản Đà chi tiêu một trăm đồng cho một việc lớn là trả nợ và ra báo (chính là tờ An Nam tạp chí) như vậy cũng đủ cho thấy hai ngàn rưởi đồng là số tiền to đến cỡ nào!
Từ vụ ăn của đút ghê gớm như thế, Tản Đà đã gợi ý cho Ngô Tiếp viết tiểu thuyết “Tờ chúc thư” nói về vụ ấy đem xuất bản, rồi lại có thơ như trên. Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên trong văn chương chữ quốc ngữ trực diện chống tham nhũng ở nước ta. Mà chống rất quyết liệt, rất sâu sắc.
Quyết liệt vì miêu tả hành vi, diện mạo kẻ tham nhũng rất sinh động lại vạch mặt chỉ tên hắn đến nơi đến chốn, người đọc biết ngay hắn là thằng nào, là thằng Đào ấy đấy, mà cũng là cả cái bè lũ chuyên nghề đào khoét của dân.
Sâu sắc vì chỉ với hai câu thơ giản dị đầy thương đầy giận, Tản Đà đã chỉ ra một vấn nạn vô cùng nặng nề và dai dẳng của dân tộc: Ấy là mối quan hệ giữa dân trí với nạn quan tham lại nhũng: Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên quân nó dễ làm quan.
Cuốn tiểu thuyết của Ngô Tiếp bây giờ chẳng mấy ai còn nhớ, nhưng những vần thơ của Tản Đà sau gần 80 năm đọc lại vẫn thấy nóng bỏng tính thời sự.
Bùi Minh Quốc
#00448d; font-size: 17pt;">=======================================================
Phùng Quán – Nhà thơ vệ quốc đoàn
Phùng Quán – Nhà thơ vệ quốc đoàn
Tôi quen thân anh chị Phùng Quán - Bội Trâm từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nghĩa là đã hơn 30 năm rồi. Mỗi lần anh Quán vô Huế, tôi đều tháp tùng anh đi đọc thơ, uống rượu ở các cơ quan, gia đình người hâm mộ. Anh lúc nào cũng áo Mán, quần bò, đeo cái bị cói, đi chiếc xe đạp cuốc Liên Xô cao lênh khênh và đi đôi dép cắt từ lốp ô tô nặng trịch... Anh bảo dép nặng như thế này mới đứng vững trên mặt đất. Ở Huế, cuộc nhậu nào hết mồi là anh lẳng lặng đứng dậy đi mua, không bao giờ sai em út. Cơ quan tôi Báo Thương Mại ở Lò Đúc, có phòng khách, nhưng mỗi lần ra Hà Nội tôi đều về ở với anh trên Chòi ngắm sóng. Anh chị coi tôi như đứa em, có chuyện gì cũng kể. Khi tôi vô Huế, anh thức dậy rất sớm, nấu, gói cơm nắm, muối mè để em ăn dọc đường cho an toàn, rồi đèo tôi ra bến xe. Từ ngày anh Phùng Quán qua đời, bao nhiêu bài viết của anh Quán hay những bài các nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước viết về anh Quán, chị đều cắt gửi vào Huế cho tôi cất giữ. Có thể nói Phùng Quán là một trong ít nhà văn Việt Nam được các nhà văn, nhà báo viết bài nhiều nhất. Nhờ khối tư liệu đó, tôi và chị Bội Trâm đã làm được mấy cuốn sách cơ bản về nhân cách và tài năng Phùng Quán như Nhớ Phùng Quán, Phùng Quán còn đây, Ba phút sự thật. Những cuốn sách được độc giả đánh giá rất cao.
Phùng Quán (1932-1995) là nhà văn để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong trong lịch sử văn học Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX. Đặc biệt vì anh có hàng chục tác phẩm được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ. Tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung, tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, bài thơ Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe là những tác phẩm để đời. Bài thơ Lời mẹ dặn là tuyên ngôn long trọng nhất của người cầm bút. Tiểu thuyết Vượt Côn Đảo (1955) đã được tái bản hơn 13 lần. Tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội (1988) được dựng thành phim cùng tên, được giải thưởng Hội nhà văn, giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 2000, được in đi in lại gần chục lần. Phùng Quán đã được Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Chỉ chừng ấy thôi cũng là mong ước không bao giờ có được của hàng trăm nhà văn xứ sở. Phùng Quán ��ã phải vượt qua vô vàn tai ương, đau khổ, bị treo bút suốt 30 năm trời sau vụ “Nhân văn - Giai phẩm”. Nhưng anh vẫn giữ vững được bản lĩnh của chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn, sống nhân cách “ngay thẳng tột cùng/ sự ngay thẳng thuỷ chung/ của mỗi dòng chữ viết”, còn giữ được sự đam mê văn chương cho đến ngày cuối đời. Nghĩ về Phùng Quán trong tôi luôn hiện lên một con người nghĩa khí, một chiến sĩ Vệ Quốc đoàn trung thực, quyết liệt, một thi sĩ tài hoa ngất ngưởng và một nhân cách cao cả.
Phùng Quán mới học hết tiểu học (primair) thời Pháp, rồi mò cua bắt ốc ở làng Thanh Thuỷ Thượng (nay là phường Thuỷ Dương, thị xã Hương Thuỷ). Anh trốn mẹ chạy theo Vệ Quốc Đoàn năm 14 tuổi (1946) ở Trung đoàn 101 Trần Cao Vân, Huế. Những trang đầu tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội - cuốn tự truyện xúc động, nhà văn kể anh đã trốn mẹ, chui bừa vào hàng ngũ đội thiếu nhi trinh sát của Vệ Quốc Đoàn với “độc cái áo cộc nâu hở cả rốn với cái quần đùi xanh bạc phếch, đít vá hai miếng to tướng”. Đó là thằng Mừng. Anh đội trưởng hỏi: “Em có thích đánh Tây không? - Dạ, thích lắm. - Tại sao thích?… - Dạ, dạ… vì tụi Tây hay đá đít người mình…” Phùng Quán yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, chiến đấu hết mình vì Tổ quốc. Anh là nhà văn chiến sĩ đã đi trọn đời với lý tưởng mà mình đã chọn từ thuở thiếu thời, không tạt ngang, không dừng bước. Chính tình yêu Tổ quốc nồng nàn đó đã tạo cho anh một bản lĩnh kiên cường, không dung thứ với những tệ nạn xã hội sau chiến tranh. Trong bài thơ Chống tham ô lãng phí anh viết:
Các đồng chí ơi
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem
“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu…
Bởi thế mà anh đòi phải lập một đội quân chống tham ô lãng phí, và anh thét lên: Trung ương Đảng ơi!/ Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng cần lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi/ Đi trong hàng ngũ tiên phong. Tiếc thay bài thơ đầy tâm huyết cách mạng đó đã bị một số người, vì sự tiến thân của mình hay vì thiển cận đã suy diễn quy vào tội nói xấu chế độ. Và tai ương đã giáng lên đầu chàng trai 23 tuổi Phùng Quán. Nhưng, nhà thơ - chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn ấy 30 năm sau vẫn một - mất - một - còn - với - thói - tham - nhũng - đạo - đức - giả. Năm 1988, viết Tiểu thuyết tình 13 chương Trăng Hoàng Cung, ngay trong phần “Khai Từ” nhà thơ tỏ rõ thái độ đó. Anh vẫn là người lính cầm khẩu - tiểu - liên - báng - gập - Thơ đánh vỗ mặt thói dối trá, đạo đức giả, tệ quan liêu tham nhũng… đang có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng, cao quý mà cả triệu người suốt thế kỷ qua không tiếc máu xương để tạo dựng, bảo vệ…” Chương mở đầu của “Tiểu thuyết tình 13 chương” là tuyên ngôn Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng. Là nhà văn Tôi yêu tha thiết/ Sự ngay thẳng tột cùng / Sự ngay thẳng thuỷ chung / Của mỗi dòng chữ viết. Vì thực tế đã không ít nhà văn Khi bàn tay đã đuối/ Khi tấm lòng đã mỏi/; Khi con mắt bớt trong/ Khi dũng khí đã nguội…thì không còn viết ngay thẳng được nữa… Lúc ấy ngòi bút của họ sẽ uốn theo nóng lạnh cuộc đời để kiếm bổng lộc, chức tước, mặc nhân dân đói cơm, rách áo. Phùng Quán tự vấn: Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn? / Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?/ Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một mét vuông nhà ở? / Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa / Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?!... Những câu thơ như tiếng gọi khẩn thiết của lương tri gửi đến con người, đánh trực diện vào bọn “tiêu máu nhân dân như tiêu bạc giả!
Cái chất Vệ Quốc Đoàn ấy đã giữ cho Phùng Quán những năm bị tai ương trong các cuộc kiểm điểm đã không làm cái việc hèn hạ là “tố cáo” các văn sĩ đồng nghiệp của mình, đã không quỳ gối như một số nhà văn khác phải viết nhiều bài thơ văn xưng tụng giả dối, gửi lên trên để cầu mong “tha tội”. Theo tôi được biết trong những người “dính” Nhân Văn - Giai phẩm chỉ có Phùng Quán và Hữu Loan là không cần cầu xin. Hữu Loan bỏ về quê Thanh Hoá đập đá nuôi con. Còn Phùng Quán dự định vào Quảng Bình câu cá trên sông Nhật Lệ. May nhờ có chị Bội Trâm mà anh đã ở lại Hà Nội. Để sống anh đã câu cá trộm, viết văn chui. Anh viết lời cho hàng trăm tập truyện tranh của Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc ký tên người này người nọ để kiếm nhuận bút nuôi con. Còn cái tên Phùng Quán thì chỉ dành cho thơ: Thơ là mạng sống - là lý lịch đời tôi. Trong tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung có chương thơ Tình tuyệt vọng. Phùng Quán muốn nói đến sự hắt hủi, vùi dập của cuộc đời đối với mình và những người cùng ý chí… Em giận dữ la lên:/ - Đứng trong xó nhà cũng không được đứng/… Thì tôi xin ra đứng trước hiên…/ - Đứng trước hiên cũng không được đứng! / …Thì tôi xin ra đứng ngoài ngõ…/ - Đứng ngoài ngõ cũng không được đứng! …Thì tôi xin ra đứng đầu đường…/…/ - Đứng đầu đường cũng không được đứng! - Lời yêu thương cũng không được nói!/…/ Thì tôi xin chết…/ Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt/ Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…/ Dù hoả táng/ Dù chôn xuống chín tầng đất / Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình! Bài thơ quá đau buồn. Mỗi lần tôi đọc lại đều nổi da gà trước hình tượng thơ ám ảnh. Đích thị đây là chân dung Phùng Quán từ một anh Vệ Quốc Đoàn, anh Bộ đội Cụ Hồ, trở thành một nhà văn trước sau vẫn thuỷ chung như nhất dù cuộc đời đen bạc, không chấp nhận mình. Vâng, trái tim dập nát của tôi vẫn thắm đỏ một mối tình!
Phùng Quán có bài thơ Hoa sen gần đây gây tranh luận. Với trực cảm của một chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn, nhà thơ đòi đuổi câu ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trăng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá sen / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ra khỏi kho tàng văn học dân gian vì nó mang “mùi phản trắc”. Anh cho rằng câu ca dao trên không phải do nhân dân làm ra, mà do bọn phản trắc “vốn con cái của giai cấp cùng khổ / Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ”, nên chúng cho rằng chúng gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Tất cả là ở trong cái chữ gần. Tôi cho rằng sự phát hiện ra tứ thơ đó là có lý, xuất phát từ sự nhạy cảm của một người lính luôn đối mặt với các ác, cái giả dối, sự vong ân bội nghĩa. Và qua sen - bùn một lần nữa Phùng Quán ca tụng nhân dân đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ. Đó là sự gửi gắm của nhà thơ. Những điều nhà thơ nghĩ ngợi về chuyện sen - bùn là chân lý sâu sắc, thấm thía. Mỗi lần đọc bài thơ này trước đông người, Phùng Quán vung tay giận dữ rồi giọng trầm xuống run run nén lại như nguyện cầu: “Bùn với sen đâu phải chuyện gần?/ Chính là sen mọc lên từ trong đó / Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen/… Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng/ Cũng là xương thịt của bùn tanh/ Như nhân dân, gian truân lặng, vô danh/ Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ. Cái tứ thơ Hoa sen ấy cũng bắt nguồn từ trực cảm của thi sĩ mà cái chất Vệ Quốc Đoàn đã ngấm vào máu thịt.
Đời sống thì quẫn bách, chui đụt, nghèo xơi xác, lấy vợ không đi sêu, không dạm hỏi, không có ngày cưới, đẻ con không đủ tiền mua sữa, mua tả lót… Lấy vợ sinh con 20 năm vẫn chưa có căn phòng để trú thân, nhưng Phùng Quán không kêu ca, phẫn uất, mà trái lại văn chương Phùng Quán lại luôn hướng đến cái cao cả. Đó chính là nhân cách nghệ sĩ đích thực tuyệt vời. Trong trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, hình tượng chị Võ Thị Sáu chính là hình tượng người cộng sản trước quân thù:
Trên đường vào đảo hôm qua
Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng
Cài lên mái tóc rối tung
Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê
Chính hình ảnh thơ hư cấu này của Phùng Quán đã biến thành hiện thực, tạo nên một nét đẹp trong hồ sơ anh hùng Võ Thị Sáu mà người đời nhắc đến như một biểu tượng quen thuộc. Trong bài thơ Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, cái cao cả được đúc kết khổ thơ minh triết: Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng/ Thơ chết áo đắp mặt. Đặc biệt, Phùng Quán đã thể hiện tuyệt đối chính xác lý tưởng cao cả trong thái độ tôn vinh các yêu tố “chân thật”, “trung thực” trong bài thơ nổi tiếng “Lời mẹ dặn”:
…Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Giấy bút tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ cầm dao viết văn lên đá.
Đây là tuyên ngôn long trọng của người cầm bút, thứ mà các nhà văn Việt Nam trong suốt tám kỳ Đại hội vẫn luôn đau đáu, bàn luận, hội thảo, mà chẳng có kết luận nào. Đó chính là chân lý Tự do Sáng tạo. Mới hay Phùng Quán đã rất mới trong tư duy sáng tạo văn chương từ 56 năm trước, khi anh còn rất trẻ.
14 tuổi đã tham gia Vệ Quốc Đoàn, Phùng Quán không có thời gian để đến trường học tập. Nhưng anh đã đọc sách rất nhiều, nhờ đó anh đã tạo được cho mình cái phông văn hoá, tầm nhìn xa để viết nên các tác phẩm để đời. Từ sau vụ Nhân văn - Giai phẩm, bị đuổi khỏi quân đội, khai trừ khỏi Hội Nhà văn một năm (mà 30 năm sau mới phục hồi), không nghề nghiệp kiếm sống, tứ cô vô thân, phải đi cải tạo lao động hết nơi này đến nơi khác, rồi lấy vợ, sinh con, 30 năm treo bút… đã đúc nên một Phùng Quán khác: Một Phùng Quán trầm tĩnh, chiêm nghiệm, một Phùng Quán đau đời, một Phùng Quán nhân tình thế thái. Tất cả thơ Phùng Quán viết trong giai đoạn này đều thấm đẫm triết lý cuộc đời sâu sắc như Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Lời mẹ dặn, Tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung, Cây xương rồng v.v… Còn tất cả các tác phẩm văn xuôi của Phùng Quán như Tuổi thơ dữ dội. Dũng sĩ chép còm là anh viết về chính mình. Viết về nỗi đau của mình. Viết để nói với người đời rằng: Tôi không phải là nhà văn phản động, chống chế độ như người ta buộc “các nhà lý luận gọi đó là văn học vết thương, văn học bi kịch. Các tác phẩm này đều kết thúc bằng cái chết của các nhân vật. Trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, đoạn kết thúc, chú bé chiến sĩ thiếu nhi trinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân tên là Mừng vĩnh biệt người mẹ (tổ trưởng dân công anh hùng) hấp hối: “Mừng nhào xuống đáy huyệt, ôm chặt xác mẹ, nức nở kêu gào: Con không phải là Việt gian. Con là Vệ Quốc Đoàn mạ ơi!”. Rồi khi Mừng tử thương, áo quần đẫm máu, trên đài quan sát bảo vệ chiến khu Hòa Mỹ, trước khi chết, Mừng đã hét qua điện thoại với Trung đoàn trưởng: “Anh ơi, đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!”. Thật đau đớn và xúc động. Phùng Quán có lần viết: "Đằng đẵng suốt hai mươi năm trời, với nghị lực và lòng can đảm chiến sĩ, tôi tận sức chiến đấu để tự minh oan cho mình”. Phùng Quán không thù hận ai, anh chỉ lẳng lặng viết để người đời hiểu rằng mình là một nhân cách, một Vệ Quốc Đoàn thứ thiệt. Điều đó thật khó đối với một con người trong môi trường cực đoan tệ hại. Thế mà Phùng Quán đã làm được. Đó là bản lĩnh và nhân cách của kẻ sĩ Phùng Quán.
Ngô Minh
Cập nhật bởi ngocxitet ngày 26/04/2011 07:58:03 SA
Điều ta biết chỉ là một giọt nước
Điều ta chưa biết là cả đại dương mênh mông.