Khác với Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn. (Luật Quy hoạch đô thị 2009)
Chúng ta có thể hiểu nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn và được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là ủy ban nhân dân xã. Ở nông thôn, người dân thường sinh sống bằng nông nghiệp là chủ yếu.
Như vậy việc xây nhà ở khu vực nông thôn sẽ khác gì so với thành thị và điều kiện ra sao?
1. Về giấy phép xây dựng
Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng trong đó có:
Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
Như vậy:
1.1 Trường hợp phải xin giấy phép xây dựng:
- Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
- Nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa
- Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô từ 07 tầng trở lên
1.2. Trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng
- Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
- Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng
- Công trình xây dựng cấp IV
2. Chỉ được xây dựng nhà ở trên đất ở nông thôn
Điều 143 Luật Đất đai 2013 quy định:
Điều 143. Đất ở tại nông thôn
1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy tại khu vực nông thôn người dân muốn xây dựng nhà ở thì chỉ được xây trên đất ở
3. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xây dựng
3.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
- Số lượng hồ sơ: 02 bộ.
- Thành phần hồ sơ:
Căn cứ Điều 46 Nghị định
15/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
+ Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy kèm theo bản vẽ thẩm duyệt trong trường hợp pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có yêu cầu; báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp pháp luật về xây dựng có yêu cầu, gồm:
. Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí công trình.
. Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình.
. Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình gồm cấp nước, thoát nước, cấp điện.
. Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Lưu ý: Hộ gia đình, cá nhân tham khảo bản vẽ thiết kế do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành khi tự lập thiết kế kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 03 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
3.2.Trình tự, thủ tục xin giấy phép xây dựng
Bước 1: Nộp hồ sơ
Chủ đầu tư nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện để chuyển đến UBND cấp huyện hoặc gửi qua đường bưu điện.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ.
- Nếu hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì ghi giấy biên nhận (giấy hẹn) và trao cho người nộp.
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không đúng quy định thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Xử lý yêu cầu
Bước 4: Trả kết quả
* Thời hạn giải quyết: Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
4. Công nhận quyền sở hữu nhà ở (cấp Sổ đỏ, Sổ hồng)
4.1.Hồ sơ đề nghị công nhận quyền sở hữu
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư
33/2017/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.
- Một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
- Sơ đồ về nhà ở, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở đã có sơ đồ nhà ở phù hợp với hiện trạng.
- Giấy chứng nhận đã cấp.
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có).
4.2. Trình tự, thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở
Căn cứ Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đăng ký bổ sung đối với nhà ở vào giấy chứng nhận đã cấp được thực hiện như sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà ở nếu có nhu cầu.
Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã thì:
- Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại Bộ phận một cửa cấp huyện để chuyển cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trao phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).
Bước 3. Giải quyết yêu cầu
Bước 4. Trả kết quả
Thời gian giải quyết: Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tôi yêu Việt Nam! "Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ Từ trái tim xin 1 lời Tôi yêu Việt Nam"