Những điều cần biết về quốc tịch Việt Nam

Chủ đề   RSS   
  • #530506 08/10/2019

    Linhngo99
    Top 500
    Female


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:13/09/2019
    Tổng số bài viết (195)
    Số điểm: 1803
    Cảm ơn: 29
    Được cảm ơn 234 lần


    Những điều cần biết về quốc tịch Việt Nam

    Việc một cá nhân xác định quốc tịch gốc của mình mang một ý nghĩa rất quan trọng. Điều này vừa xuất phát từ chủ quyền quốc gia, vừa thể hiện trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân đối với quốc gia đó. Nhưng, những vấn đề liên quan đến quốc tịch tại quốc gia đó được quy định như thế nào?

    Đó cũng là một trong những điểm thắc mắc chung đối với những bạn quan tâm đến quốc tịch tại Việt Nam. Dưới đây sẽ nếu lên những điều cần biết đã được quy định trong luật quốc tịch Việt Nam như sau:

    1. Căn cứ xác định Quốc tịch quy định tại Điều 14 Luật quốc tịch 2008 như sau:

    - Được sinh ra có cha mẹ là công dân Việt Nam (Điều 15); có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam(Điều 16); sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch(Điều 17);

    - Được nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 19);

    - Được trở lại quốc tịch Việt Nam(Điều 23);

    - Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 18); Quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập (Điều 35), trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam(Điều 37);

    - Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Điều 12);

    Do đó, những cá nhân thuộc một trong các điều kiện trên được công nhận là người có quốc tịch Việt Nam.

    2. Căn cứ chứng minh một cá nhân có quốc tịch Việt Nam.

    Nếu bạn rơi vào trường hợp chưa xác định được quốc tịch hoặc đã mang quốc tịch nước ngoài, mà có cơ sở là quốc tịch Việt Nam thì theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch 2008 để chứng minh một cá nhân có quốc tịch Việt Nam thì cần một trong các giấy tờ có giá trị như sau:

    -  Giấy khai sinh;

    Trường hợp: Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;

    -  Giấy chứng minh nhân dân;

    -  Hộ chiếu Việt Nam;

    -  Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

    3. Căn cứ và thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam.

    Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp có căn cứ xác định quốc tịch quy định tại Điều 14 nên trên thì bạn có thể đăng kí thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật quốc tịch 2008 quy định như sau:

    Trường hợp 1: Công dân nước ngoài và Người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam; Xét đủ các điều kiện sau đây:

    - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

    - Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

    - Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

    - Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

    - Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

    Lưu ý: Việc biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó.

    Trường hợp 2: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện (Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập; Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch; Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam), nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

    - Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

    - Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

    - Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Lưu ý:

    - Người xin nhập quốc tịch Việt Nam tại hai trường hợp nêu trên phải là người đang thường trú tại Việt Nam và được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú.

    - Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú.

    - Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người nêu tại trường hợp 2, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

    - Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

    - Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

    Căn cứ: quy định tại điều 19 Luật Quốc tịch 2008, hướng dẫn tại Điều 5 Nghị định 78/2019/NĐ-CP;

    4. Thủ tục được xin nhập lại quốc tịch.

    Bài tham khảo: Trình tự thủ tục xin nhập lại Quốc tịch;

    5. Căn cứ và thủ tục đăng ký xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.

    Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu Việt Nam, Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam) nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định như sau: (sau đây gọi là Người yêu cầu xác định quốc tịch).

    Hồ sơ gồm:

    - “Tờ khai đăng ký xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam” (mẫu đính kèm Nghị định 97/2014/NĐ-CP);

    - 04 ảnh 4 cm x 6 cm chụp chưa quá 6 tháng;

    - Bản sao của hai loại giấy tờ sau đây: Một trong các giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó như giấy tờ tùy thân, thẻ căn cước, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh về nhân thân; Một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 19 của Nghị định này.

    Nơi nộp hồ sơ (theo Khoản 2 Điều 18 của Nghị định 97/2014/NĐ-CP): Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện), nơi Người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.

    Thời hạn trong 5 ngày làm việc (sau khi so sánh và xác minh giấy tờ), Sau khi nhận được kết quả xác minh và thấy có căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện ghi vào sổ đăng ký là người đó có quốc tịch Việt Nam; việc cấp hộ chiếu hoặc cấp trích lục về việc người đó đã được xác định có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

    Lưu ý:

    - Trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch trực tiếp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện có thẩm quyền thì chỉ cần nộp bản sao giấy tờ theo quy định và xuất trình bản chính để đối chiếu; nếu gửi hồ sơ qua đường bưu điện cho Cơ quan đại diện thì bản sao giấy tờ này phải là bản sao có chứng thực.

    - Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đại diện cấp giấy biên nhận cho Người yêu cầu xác định quốc tịch, trong đó ghi rõ địa điểm, thời gian tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ kèm theo và thời gian trả lời kết quả; trường hợp tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, Cơ quan đại diện gửi giấy biên nhận cho người đó qua đường bưu điện.

    Căn cứ: Điều 20 Luật Quốc tịch 2008, được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 97/2014/NĐ-CP;

    6. Những điều cần biết khác.

    Ngoài ra, Tại Điều 11 Luật quốc tịch 2008 quy định Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”

    Theo nguyên tắc này thì nhà nước chỉ công nhận mỗi công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam trừ trường hợp Luật có quy định khác thì công dân có thể có 2 quốc tịch. Vậy, Việc công nhận công dân Việt Nam được mang 2 quốc tịch chỉ áp dụng với trường hợp: Người định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch Việt Nam và chưa bị mất quốc tịch Việt Nam. 

    Trường hợp công dân có thể bị tước quốc tịch Việt Nam: Nếu Công dân mang quốc tịch Việt Nam có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mặc dù đang cư trú trong nước hay nước ngoài (Điều 31).

    Trên đây là những điều cần biết về quốc tịch mình đã tổng hợp, mong sẽ giúp ích cho các bạn.

    Cập nhật bởi Linhngo99 ngày 08/10/2019 03:08:30 CH
     
    6139 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Linhngo99 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (08/10/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận