Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1)

Chủ đề   RSS   
  • #616520 19/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1)

    Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã có những điều chỉnh đáng kể về chế độ ốm đau. Hãy cùng tìm hiểu những điểm mới này để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất nhé!

    Xem thêm: Danh sách nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TPHCM Quý 4/2024

    (1) Đối tượng được hưởng chế độ ốm đau

    Theo khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, đối tượng được hưởng chế độ ốm đau là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thuộc các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, bao gồm:

    - Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

    - Cán bộ, công chức, viên chức;

    - Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

    - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

    - Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;

    - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

    - Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất;

    - Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;

    - Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

    - Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:

    + Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

    + Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;

    + Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

    Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cơ bản đã kế thừa quy định về đối tượng hưởng của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tuy nhiên có bổ sung thêm 04 đối tượng mới, bao gồm:

    - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

    - Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất;

    - Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;

    - Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

    Việc mở rộng đối tượng hưởng chế độ ốm đau không chỉ mang tính chất bảo vệ quyền lợi mà còn góp phần tạo ra động lực cho người lao động tham gia vào hệ thống BHXH. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng số lượng người tham gia BHXH, từ đó củng cố nguồn quỹ bảo hiểm và nâng cao khả năng chi trả cho các quyền lợi khác trong tương lai.

    (2) Điều kiện được hưởng chế độ ốm đau

    Theo quy định tại  khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, những đối tượng được hưởng chế độ ốm đau kể trên khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ ốm đau:

    - Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;

    - Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động;

    - Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

    - Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn;

    - Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;

    - Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau.

    Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã liệt kê các trường hợp và điều kiện được hưởng chế độ ốm đau chi tiết hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm 03 trường hợp được hưởng chế độ ốm đau, bao gồm:

    - Đang điều trị do bị tai nạn trên đường từ nơi làm việc về nhà hoặc từ nhà đến nơi làm việc;

    - Đang điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn;

    - Thực hiện các cuộc đại phẫu như hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể.

    Việc quy định rõ ràng các trường hợp được hưởng chế độ ốm đau và mở rộng phạm vi được hưởng chế độ ốm đau không chỉ giúp người lao động hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà còn khuyến khích người lao động tham gia BHXH tích cực hơn nữa.

    (3) Các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau

    Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, nếu người lao động rơi các trường hợp sau đây thì không được hưởng chế độ ốm đau: 

    - Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

    - Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

    - Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

    - Trong thời gian nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về BHXH.

    Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã phân loại rõ ràng các trường hợp cụ thể, bao gồm cả việc không được hưởng chế độ trong thời gian nghỉ việc trùng với các chế độ khác.

    Dù quy định hiện hành hay quy định mới đều nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo tính công bằng trong việc phân bổ quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã cung cấp một cái nhìn tổng quát và chi tiết hơn về các trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, giúp người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

    (còn tiếp…)

    >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P2)

     
    939 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận