Những điểm mới trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Chủ đề   RSS   
  • #617255 09/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 474 lần


    Những điểm mới trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

    Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có những điểm mới nào đáng chú ý? Cùng điểm qua một số điểm mới nổi bật và phân tích những điểm này qua bài viết dưới đây.

    Sau hơn 10 năm từ ngày Luật Công đoàn 2012 được ban hành, thực tế đã xuất hiện thêm nhiều yêu cầu, bất cập đòi hỏi có sự đổi mới, điều chỉnh, hoàn thiện hơn về các quy định để đáp ứng được nhu cầu phát triển của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đổi mới.

    Trên cơ sở kế thừa những quy định đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định và hiệu quả, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.

    Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung 32 Điều, thêm mới 05 điều, bỏ đi 01 Điều so với Luật Công đoàn 2012.

    Trong đó, những quy định nổi bật, nhận được nhiều sự quan tâm là những quy định về phạm vi điều chỉnh; quyền thành lập, gia nhập Công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn và trường hợp miễn, giảm đóng phí Công đoàn.

    >>> Xem Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) 2024 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/09/du-thao-luat-cong-doan-sua-doi.pdf

    (1) Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

    Theo đề xuất tại Điều 2 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), phạm vi điều chỉnh được quy định như sau:

    Luật này quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

    Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã thêm quy định về "quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp", nhấn mạnh quyền gia nhập không chỉ của cá nhân người lao động mà còn của các tổ chức lao động.

    Như vậy, phạm vi điều chỉnh tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bao quát hơn vì bao gồm cả quyền của tổ chức lao động, thay vì chỉ tập trung vào quyền của người lao động cá nhân mà không đề cập đến quyền gia nhập của tổ chức lao động như Luật Công đoàn 2012.

    Việc sửa đổi quy định này đã tạo ra một khung pháp lý rộng hơn, toàn diện hơn trong việc quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn nói chung và việc thành lập và gia nhập Công đoàn nói riêng.

    (2) Quyền thành lập, gia nhập Công đoàn

    Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề xuất 02 phương án về quyền thành lập, gia nhập Công đoàn tại Điều 5 như sau:

    Phương án 1:

    - Người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. 

    - Người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam.

    - Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

    Phương án 2: 

    - Người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. 

    - Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

    Theo đó, điểm khác biệt ở Phương án 1Phương án 2 tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)Phương án 1 đề cập đến cả người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài, trong khi đó Phương án 2 chỉ nhấn mạnh quyền của người lao động Việt Nam. Không đề cập đến người lao động nước ngoài.

    Tuy nhiên, cả 2 phương án trên có điểm chung là đã mở rộng phạm vi áp dụng cho cả người lao động trong các doanh nghiệp và những người lao động tự do, thay vì chỉ áp dụng cho những người lao động làm việc trong các cơ quan và doanh nghiệp chính thức, không bao gồm người lao động tự do như Luật Công đoàn 2012.

    (3) Quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn

    Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề xuất sửa đổi đưa ra 02 phương án trong việc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn tại khoản 2 Điều 30 như sau:

    Phương án 1:

    Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ.

    Phương án 2:

    Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau:

    a) Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở được phân phối toàn bộ kinh phí nêu trên;

    b) Ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn; 

    c) Ở doanh nghiệp có cả công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở được phân phối số kinh phí công đoàn nêu trên sau khi trừ đi số kinh kinh phí cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo điểm b khoản 2 Điều này;

    d) Ở doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ toàn bộ số kinh phí nêu trên để thực hiện chi cho người lao động tại doanh nghiệp và hoàn trả số chưa chi cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi được thành lập theo điểm a và điểm b. Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định

    Đây là quy định được bổ sung mới hoàn toàn tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

    Theo đó, Phương án 1 chỉ nêu kinh phí Công đoàn được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhưng không nêu rõ tỷ lệ phân chia hay cách thức cụ thể.

    Ngược lại, Phương án 2 đã cung cấp một cơ chế phân phối rõ ràng hơn với tỷ lệ cụ thể hơn: 25% do Công đoàn cấp trên quản lý và 75% được phân phối cho Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Phương án 2 cũng đưa ra các điều kiện cụ thể cho từng trường hợp, điều này tạo ra sự minh bạch hơn trong việc sử dụng nguồn tài chính của Công đoàn.

    (4) Trường hợp miễn, giảm đóng phí Công đoàn

    Theo đó, tại Điều 29 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung thêm quy định mới được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí Công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn.

    Đề xuất này thể hiện sự linh hoạt và thích ứng của pháp luật trước những biến động bất ngờ trong môi trường kinh doanh, giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn. Đồng thời góp phần tạo ra một môi trường làm việc ổn định và bền vững hơn, khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

    Ngoài ra, một điểm cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong quy định tại Điều 29 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đó là kinh phí công đoàn. Theo đó, kinh phí công đoàn được quy định do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

    Như vậy, mức đóng này vẫn giữ nguyên là 2% trong khi một số doanh nghiệp có ý kiến giảm. Việc giữ nguyên mức đóng này đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận trong thời gian qua.

    Giải thích về việc giữ nguyên mức đóng phí công đoàn 2%, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức đóng 2% đã được quốc hội xem xét và đồng tình, đồng thời xét thấy mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, tỷ lệ 2% là phù hợp với thực tế và đóng góp vào việc bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động.

    Trên đây là một số điểm mới nổi bật tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Dự thảo luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 8, diễn ra trong tháng 10 và 11/2024.

    >>> Xem Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) 2024 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/09/du-thao-luat-cong-doan-sua-doi.pdf

     
    421 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận