Những chức danh nào sẽ tuyên thệ khi nhậm chức? Trình tự Lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước?

Chủ đề   RSS   
  • #611800 22/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 533 lần


    Những chức danh nào sẽ tuyên thệ khi nhậm chức? Trình tự Lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước?

    Những chức danh nào sẽ phải tuyên thệ khi nhậm chức? Nội dung tuyên thệ sẽ có những gì? Trình tự Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước diễn ra thế nào? Cụ thể qua bài viết sau đây.

    Những chức danh nào sẽ tuyên thệ khi nhậm chức?

    Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 31 nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định về Lễ tuyên thệ như sau:

    - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

    - Ngoài nội dung quy định trên, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao.

    Như vậy, những chức danh sẽ tuyên thệ khi nhậm chức bao gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND tối cao. Nội dung tuyên thệ là trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Hiến pháp và những nội dung khác phù hợp với trách nhiệm được giao.

    Trình tự Lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước?

    Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 31 nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định:

    - Vị trí tuyên thệ là vị trí trang trọng của lễ đài. Đại biểu Quốc hội, người được mời tham dự, dự thính tại phiên họp đứng trang nghiêm chứng kiến Lễ tuyên thệ.

    - Lễ tuyên thệ được tiến hành theo trình tự sau đây:

    + Quân nhạc cử nhạc nghi lễ và đội tiêu binh vào vị trí;

    + Người tuyên thệ chào Quốc kỳ, tiến vào vị trí tuyên thệ và tiến hành tuyên thệ;

    + Sau khi tuyên thệ, người tuyên thệ phát biểu nhậm chức.

    Đồng thời, theo khoản 4 Điều 9 nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định:

    Phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Lễ tuyên thệ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Các phiên họp khác của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.

    Theo khoản 2 Điều 28 nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 quy định:

    Tại phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, Lễ tuyên thệ, đại biểu Quốc hội và khách mời mặc com-lê, áo dài truyền thống hoặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang nhân dân.

    Như vậy, Lễ tuyên thệ sẽ được thực hiện theo trình tự trên và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội và khách mời khi tham dự mặc com-lê, áo dài truyền thống hoặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang nhân dân.

    Tiêu chuẩn để trở thành Chủ tịch nước mới nhất 2024?

    Theo Tiểu mục 2.4 Mục 2 Khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tại Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, chức danh Chủ tịch nước phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo Mục 1 Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, đồng thời, còn phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh cụ thể như sau:

    Chủ tịch nước cần có những phẩm chất, năng lực:

    - Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. 

    - Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. 

    - Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. 

    - Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

    Như vậy, Chủ tịch nước phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực theo quy định trên.

     
    1416 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận