Những cam kết chính về Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU?

Chủ đề   RSS   
  • #610266 04/04/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Những cam kết chính về Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU?

    Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EVFTA bao gồm 17 chương và đề cập đến rất nhiều khía cạnh thương mại khác nhau như xuất nhập khẩu, tự do hóa đầu tư, thương mại điện tử và thương mại dịch vụ, các vấn đề về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp,... Trong số những lĩnh vực nói trên, vấn đề về sở hữu trí tuệ là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong quá trình xem xét môi trường thể chế đầu tư của Việt Nam bởi Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang ý thức rất rõ rằng nỗ lực phát triển và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Do khoảng cách lớn về trình độ phát triển và thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ của hai bên, sở hữu trí tuệ đã trở thành chủ đề quan trọng trong đàm phán EVFTA. Do vậy, EVFTA đã dành một chương lớn - Chương 12 quy định về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ.

    Chương 12 EVFTA gồm 63 Điều, 2 Phụ lục (Danh mục các chỉ dẫn địa lý của EU và Việt Nam được bảo hộ theo Hiệp định (Phụ lục 12A) và Danh mục các nhóm sản phẩm mang các chỉ dẫn địa lý đó (Phụ lục 12-B)) quy định các cam kết chính về sở hữu trí tuệ, trong đó có các điều khoản liên quan tới điều kiện bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ như bản quyền tác giả, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng; nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phạm vi quyền sở hữu trí tuệ; thực thi quyền sở hữu trí tuệ... Về cơ bản, các quy định về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này đảm bảo dành cho các tổ chức, cá nhân của EU cũng như Việt Nam hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs). Có thể nói, các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA mang tính toàn diện hơn, phạm vi các vấn đề điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực hơn so với trước đây.

    Về quy định chung, theo EVFTA, các chính sách, quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ phải được minh bạch hóa hơn nữa, như phải công bố trên internet các quy định của pháp luật, các thủ tục, quy trình, quyết định liên quan đến xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Một số cam kết chính về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và EU trong EVFTA như sau:

    - Về chỉ dẫn địa lý (GI): Do các Thành viên EU có truyền thống sản xuất hàng loạt nông sản, thực phẩm có chất lượng đặc trưng theo vùng như rượu vang Bordeaux, pho-mát Mozzarella, giăm bông Parma, v.v..nên EU có chế độ bảo hộ cao đối với GI và rất chú trọng nội dung trong đàm phán các FTA. Việt Nam cũng đã có quy định pháp luật về bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý và đã có một số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, đem lại giá trị cao hơn cho người sản xuất nông sản, thực phẩm của một số địa phương.

    Khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 169 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) (chủ yếu là rượu và thực phẩm). EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột ... tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

    - Về nhãn hiệu: Hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận; đồng thời, cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm.

    EVFTA quy định chi tiết trường hợp nhãn hiệu đã đăng ký sẽ bị chấm dứt hiệu lực. Trước đây, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì “nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”. EVFTA đưa ra quy định mang tính chặt chẽ hơn vì đã bổ sung yếu tố “sử dụng thực sự” thay vì chỉ yêu cầu là có hành vi sử dụng như trước. Yếu tố “sử dụng thực sự” được giải thích là “việc sử dụng trên thực tế vì mục đích kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan để đạt được lợi thế thương mại. Một cách tổng quát, sử dụng thực sự là việc bán trên thực tế và phải có hành động bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian quy định. Việc sử dụng trong quảng cáo có thể được coi là sử dụng thực sự. Tuy nhiên, các bước chuẩn bị đơn thuần không được coi là đã sử dụng thực sự. Sử dụng thực sự trái ngược với việc sử dụng trên danh nghĩa hay giả vờ sử dụng chỉ để duy trì nhãn hiệu trong đăng bạ”. Với sự thay đổi quy định này, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ cần phải lưu ý để tránh trường hợp nhãn hiệu của mình bị chấm dứt bảo hộ, đặc biệt là khi trước đó đã thực hiện đăng ký nhiều nhãn hiệu liền kề nhau để mở rộng phạm vi bảo hộ đối với một nhãn hiệu chính.

    Để tránh khả năng bị chấm dứt quyền sở hữu đối với nhãn hiệu do quy định mới của EVFTA, chủ sở hữu Nhãn hiệu cần phải bắt đầu (đối với trường hợp chưa sử dụng từ khi đăng ký) hoặc tiếp tục trước ít nhất 03 tháng tính đến ngày có yêu cầu đình chỉ. Việc bắt đầu hoặc tiếp tục sẽ có thể không được công nhận nếu chúng chỉ được thực hiện vì lý do chủ sở hữu biết được là sắp có yêu cầu chấm dứt bảo hộ nhãn hiệu được nộp mà không vì chủ đích sử dụng nhãn hiệu đó vào sản xuất, kinh doanh hoặc quảng cáo.

    - Về quyền tác giả: EVFTA đặt yêu cầu các bên tham gia trong vòng 03 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, phải gia nhập các điều ước của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới về quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường internet, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường internet. Theo cam kết về nội dung này Việt Nam phải gia nhập Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Đây là 2 Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả và quyền đối với cuộc biểu diễn trong môi trường số.

    - Về kiểu dáng công nghiệp: Việt Nam cam kết gia nhập Thỏa ước La-hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (1990) trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và sẽ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với thời gian ít nhất 15 năm. Để thực hiện cam kết này, vào lúc 8h00 (giờ Thụy Sỹ) ngày 30/9/2019 (1/10 tại Việt Nam), tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã trao Văn kiện gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (Văn kiện Geneva 1999) cho Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry. Thỏa ước sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam sau 03 tháng tính từ ngày nộp Văn kiện là ngày 30/12/2019.

    - Về chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ: EVFTA đòi hỏi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải được xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Trong đó, đối với kiểm soát biên giới, Hiệp định này yêu cầu cơ quan hải quan chủ động kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở kỹ thuật phân tích rủi ro mà không cần phải có yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (Điều 12.59), giúp các cơ quan hải quan chủ động hơn trong hoạt động kiểm tra, giám sát chứ không chỉ phát hiện, xác định hàng hóa xâm phạm và phối hợp với chủ thể quyền như quy định hiện nay. EVFTA cũng quy định rằng cơ quan tư pháp có quyền yêu cầu bên thua kiện phải trả cho bên thắng kiện các chi phí tòa án và phí thuê luật sư hợp lý, hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật (Điều 12.52).

    - Cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN): Cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này bảo đảm dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP). Khác với việc coi các ưu đãi trong thương mại hàng hóa và dịch vụ trong khuôn khổ các FTA là trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc MFN (các thành viên trong một FTA có thể dành cho nhau ưu đãi trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ mà không bị coi là vi phạm nguyên tắc MFN của WTO), theo Hiệp định TRIPS của WTO, liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, nếu một thành viên WTO dành bất kỳ lợi thế, ưu đãi, ưu tiên, miễn trừ nào cho chủ thể mang quốc tịch của một nước thành viên WTO khác thì cũng phải dành đối xử đó cho các chủ thể mang quốc tịch của tất cả các nước thành viên WTO. Như vậy, các cam kết mức độ cao về sở hữu trí tuệ (đối với các nghĩa vụ được quy định trong Hiệp định TRIPS) theo Hiệp định EVFTA sẽ được áp dụng cho tất cả các thành viên WTO và ngược lại.

    Việc thực hiện nghiêm túc các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới, chuyển giao và phổ biến công nghệ, bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chứa đựng tài sản trí tuệ, phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững và toàn diện. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải thiện hiệu suất và chất lượng xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ.

    (Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc thông tin về những cam kết chính về Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA – Một trong những nội dung trọng tâm và có ý nghĩa về thương mại hàng hóa trong xu hướng FTA thế hệ mới sâu rộng hiện nay).

     
    346 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận