Những bệnh truyền nhiễm nào dễ bùng phát trong mùa bão, lũ?

Chủ đề   RSS   
  • #616388 14/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26908
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 557 lần


    Những bệnh truyền nhiễm nào dễ bùng phát trong mùa bão, lũ?

    Ngoài những thiệt hại về người, tài sản và đời sống của người dân thì mùa bão, lũ thường sẽ phát sinh nhiều loại bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể như sau.

    (1) Bộ Y tế chỉ đạo triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh và VSMT trong và sau mùa bão, lũ

    Ngày 12/9/2024, Bộ Y tế đã có Công văn 5400/BYT-DP triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt. Theo đó, Bộ yêu cầu:

    - Rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai trên địa bàn phù hợp với thực tiễn của địa phương; rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt. 

    Theo đó, giao UBND các cấp và các đơn vị liên quan chỉ đạo phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường ứng phó với các tình huống thiên tai, mưa lũ.

    - Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

    - Đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng; Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt; thực hiện VSMT sau mưa lũ và ngập lụt, tổ chức thu gom xử lý xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.

    - Bảo đảm công tác thường trực cấp cứu khám, chữa bệnh thường xuyên, liên tục trong và ngoài cơ sở y tế, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho người bệnh và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng bị mưa lũ và ngập lụt.

    - Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt; các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh khi mưa lũ và ngập lụt xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

    - Có kế hoạch bảo đảm nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho hoạt động của các cơ sở y tế trong các tình huống mưa lũ và ngập lụt; Chỉ đạo các cơ sở y tế luôn luôn đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong vùng mưa lũ và ngập lụt.

     Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

    (2) Những bệnh truyền nhiễm nào dễ bùng phát trong mùa bão, lũ?

    Trong và sau mưa bão, lũ lụt, môi trường thường sẽ bị ô nhiễm nặng nề bởi các chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp, xác chết động vật, thực vật thối rữa, nước từ hệ thống cống thải tràn ra không được xử lý. Chính vì thế mà dịch bệnh truyền nhiễm thường đi liền sau mưa bão lũ lụt. Theo đó, trong và sau bão, lũ lụt thường sẽ bùng phát các dịch bệnh như sau:

    Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa: Tiêu chảy cấp, bệnh tả, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh lỵ amip, bệnh thương hàn, nhiễm khuẩn do E.coli, viêm gan virus A.

    Các bệnh ngoài da hay: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Ngoài ra người dân vùng lũ lụt có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua da niêm mạc như bệnh Whitmore, bệnh do xoắn khuẩn leptospira, bệnh do Vibrio vulnificus.

    Các bệnh về mắt: Đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ.

    Các bệnh đường hô hấp: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp.

    Các bệnh do muỗi truyền: Bệnh hay gặp: sốt xuất huyết

    (3) Những biện pháp dự phòng dịch bệnh trong và sau bão, lũ lụt

    Cụ thể, có những biện pháp dự phòng dịch bệnh trong và sau bão, lũ lụt như sau:

    - Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; lọc nước sinh hoạt ăn uống bằng cát sạch hoặc đánh phèn để lắng sau đó khử khuẩn nước bằng Cloramin B theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

    - Lựa chọn thực phẩm sạch và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, thực hiện “ăn chín, uống sôi”, không ăn thức ăn cũ, ôi thiu.

    - Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

    -. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn, không mặc quần áo ẩm ướt.

    - Hạn chế bơi lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

    - Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

    - Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

    - Mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt, kể cả ban ngày.

    - Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là người già và trẻ em; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất.

    - Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

    Lưu ý:

    - Không chủ quan, coi thường bệnh tật, nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám bệnh hoặc đến khám bệnh muộn khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

    - Không tự chẩn đoán bệnh, tự mua thuốc điều trị bệnh hoặc nghe theo mách bảo của người thân không phải là bác sĩ khám bệnh.

    Bên cạnh đó, người dân cũng cần quản lý điều trị tốt bệnh nền, bệnh mạn tính. Trong trường hợp đến kỳ tái khám mà không đến khám tại cơ sở y tế được, cần xin tư vấn của bác sĩ thường xuyên quản lý, theo dõi, điều trị bệnh cho mình.

     
    115 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận