Căn cứ Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động. Nếu Nguời sử dụng lao động từ chối nhận trách nhiệm thì chú của anh có quyền khởi kiện ra Toà án cấp huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu được giải quyết ( Căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Trường hợp của chú không cần phải qua thủ tục hòa giải viên.
Hồ sơ khởi kiện tại Tòa án bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu) và các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu), Sổ hộ khẩu gia đình (có sao y bản chính);
- Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề...
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);
Tài liệu, chứng cứ có thể kèm theo:
- Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi đã điều trị thương tật tai nạn lao động ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
- Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
+Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông (bản sao).
+ Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội (bản sao)
Về thời hiệu khởi kiện căn cứ Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 588. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại"
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Như vậy, chú của bạn bị tai nạn lao động hơn 2 năm thì vẫn còn thời hiệu để khởi kiện lên Tòa án.