NHÌN LẠI 1 NĂM THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM
Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực hơn 1 năm nay nhưng chỉ có một số địa phương “mạnh tay” kiểm tra và xử phạt những giáo viên “làm thêm” bằng chuyên môn. Thế nhưng, số vụ bị “bắt quả tang”, gây hiệu ứng không hay trong dư luận mới dừng ở con số: Hải Phòng xử lý 4 giáo viên, Phú Yên: 20 , Cà Mau: 16… Còn lại, các địa phương khác đều lúng túng, bị động và chưa biết cách nào quản lý dạy thêm, học thêm cho phù hợp, không bị dư luận phản ứng.
Đây là một vấn đề không mới, nhưng xung quanh vấn đề này vẫn còn khá nhiều ý kiến. Và đa số các ý kiến đó đều cho rằng quy định trên là không thực tế, không khả thi, oan cho nhiều thầy cô, không giải quyết được gì. Thực tế cho thấy, thông tư 17 chưa đi vào cuộc sống vì có nhiều điểm bất cập, chưa sát thực tế thì việc Bộ GD-ĐT tiếp tục trình Chính phủ dự thảo tăng mức xử phạt dạy thêm khiến người trong cuộc cảm thấy có cái gì đó thiếu công bằng, bị xử ép. Không những thế, việc quản lý dạy thêm, học thêm nhìn chung còn lúng túng, rối bời thì lấy cơ sở nào để kiểm tra, xử phạt? Đối với những trường hợp giáo viên kèm cặp tại gia khoảng vài học sinh thì có phải xin phép không? Những hoạt động nào được coi là nhu cầu chính đáng và những hành vi nào bị liệt vào vi phạm khi quy định còn nhiều bất cập, thiếu công bằng? Với mong muốn hạn chế tiêu cực trong dạy thêm, học thêm nhưng Thông tư 17 vừa ra đời đã bị “bẻ’ ở nhiều điểm, trong đó nhiều giáo viên lên tiếng phản đối: “Tại sao giáo viên các trường công lập thì bị quản chặt, còn các trường ngoài công lập thì thả nổi và họ dạy thêm bao nhiêu giờ cũng được?” Lẽ ra Bộ GD-ĐT phải lắng nghe và sớm chỉnh sửa lại Thông tư 17 trước khi đưa ra giải pháp mạnh “siết” dạy thêm, học thêm.
Nghề giáo là một nghề cao quý, giáo viên dạy thêm cho các em không chỉ dạy những môn học trên lớp mà còn phải dạy những kỹ năng sống cho các em, dạy các em cách làm người sao cho đúng nghĩa…xã hội hãy tạo điều kiện để những người làm nghề giáo tu dưỡng bản thân mình cho xứng đáng với sự cao quý ấy. Xã hội nào khiến cho Thầy Cô đau đáu với đồng lương, quay quắt với cuộc sống, thì xã hội ấy khó có thể tìm thấy cho mình đội ngũ Thầy Cô hết mình với sự nghiệp trồng người.
Thực trạng “dạy thêm - học thêm” ở các đô thị Việt Nam trong thời gian qua chính là ví dụ sinh động cho điều ấy. Và nếu Nhà nước không “chuyển mình” về chính sách để người làm nghề giáo “sống được” với nghề, thì xã hội sẽ thích nghi theo cách của nó, nơi “vật chất (đơn thuần) quyết định ý thức”!