1. Lý do nhiều lao động lựa chọn nghỉ việc vào cuối năm
(1) Chế độ lương thưởng, đãi ngộ không còn phù hợp
Thu nhập là một trong những yếu tố mà người lao động ưu tiên khi tìm kiếm việc làm. Sau khi dành phần lớn thời gian cho công việc, hoàn thành các kế hoạch công ty, người lao động sẽ mong chờ nhận được thù lao và chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Do vậy, việc chế độ đãi ngộ và lương thưởng không còn phù hợp hoặc quá thấp so với sức lao động bỏ ra là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều người từ bỏ công việc hiện tại vào cuối năm.
(2) Áp lực công việc quá lớn
Thời điểm cuối năm, không chỉ lượng khách hàng tăng mà các doanh nghiệp cũng thường đặt ra nhiều định mức công việc mới với người lao động để hoàn thiện chỉ tiêu doanh số trong năm. Quỹ thời gian dần ít đi mà khả năng bị phê bình cũng cao hơn khiến người lao động phải chịu nhiều áp lực đè nén.
Tình trạng này khiến nhiều người lao động bị ảnh hướng tới sức khỏe tinh thần và thể chất dẫn tới quyết định xin nghỉ việc.
(3) Môi trường làm việc độc hại
Ngoài các vấn đề về tài chính và áp lực công việc cuối năm nêu trên, văn hóa doanh nghiệp có lành mạnh hay không cũng quyết định khả năng gắn bó lâu dài của người lao động.
(4) Nhảy việc để làm mới mình
Trong một số trường hợp, lý do người lao động lựa chọn nghỉ việc không liên tới các vấn đề tồn tại trong doanh nghiệp mà chỉ đơn giản là họ muốn nghỉ hơi hoặc tìm kiếm trải nghiệm ở lĩnh vực mới. Văn hóa và lương thưởng ở doanh nghiệp hiện tại vẫn ổn và ít biến động, nhưng người lao động muốn định hướng nghề theo phương hướng khác.
2. Những rủi ro khi lựa chọn nghỉ việc vào cuối năm
2.1. Không được nhận tiền thưởng Tết
Giai đoạn cuối năm thường có nhiều lợi ích gắn với người lao động như các khoản lương thưởng cuối năm.
Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Sau cả năm dài cống hiến, tâm lý chung của người lao động là mong chờ kỳ xét duyệt lương thưởng. Nếu lựa chọn nhảy việc vào thời điểm này cũng đồng nghĩa với việc bỏ đi khoản tiền thưởng sau một năm làm việc đầy cố gắng.
2.2. Rủi ro thất nghiệp tạm thời cao
Những tháng cuối năm dương lịch thường có tỷ lệ nghỉ việc thấp do nhiều lao động lựa chọn ở lại để được hưởng các loại lương thưởng cuối năm. Thêm nữa nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng không nhiều.
Do đó, nhảy việc vào cuối năm đem lại rủi ro thất nghiệp tạm thời khá cao nếu vị trí của người lao động không được nhà tuyển dụng săn đón.
2.3. Mất các quyền lợi khi làm việc lâu dài tại một doanh nghiệp
Khi làm việc lâu năm cho một doanh nghiệp, người lao động có thể được hưởng các quyền lợi sau đây:
- Tăng số ngày phép tính theo thâm niên làm việc
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về số ngày nghỉ hằng năm (thường gọi là ngày phép năm) đối với người lao động như sau:
(i) Đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường: 12 ngày;
(ii) Đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 14 ngày;
(iii) Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày.
(iv) Đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Đồng thời, cũng cần lưu ý là số ngày phép năm không cố định mà có thể tăng thêm theo thâm niên làm việc của người lao động tại doanh nghiệp. Tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 quy định cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Khi nghỉ phép năm, người lao động được nghỉ việc hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động và một số doanh nghiệp cũng căn cứ vào số lượng ngày phép năm còn lại để làm căn cứ thưởng Tết, lương tháng 13,... cho người lao động. Do đó, số lượng ngày phép năm là một yếu tố thường được người lao động quan tâm.
- Được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn
Tại điểm c khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 có quy định trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
Từ quy định trên, có thể thấy khi làm việc lâu dài cho một doanh nghiệp, người lao động sẽ có cơ hội ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Khi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định lao động sẽ có nhiều lợi thế hơn: không cần lo lắng về thời hạn hợp đồng, thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng dài hơn (bao gồm cả trường hợp vì lý do ốm đau, tai nạn)…
- Các khoản phúc lợi khác theo quy chế doanh nghiệp
Ngoài những quyền lợi nêu trên thì khi người lao động làm việc nhiều năm cho một doanh nghiệp thì người lao động còn có thể được nhận nhiều khoản phúc lợi khác theo quy chế riêng của doanh nghiệp như:
- Tăng phép năm thâm niên nhiều hơn so với quy định của Bộ luật Lao động;
- Có các khoản thưởng thâm niên nhân viên làm việc lâu năm bên cạnh thưởng kết quả làm việc, thưởng KPI,…;
- Nâng bậc lương cao hơn cho người lao động làm việc lâu năm; và
- Các chính sách đãi ngộ khác.
Khi lựa chọn nhảy việc vào cuối năm, người lao động có thể mất đi các quyền lợi đã nêu ở trên. Do vậy, cần cân nhắc thật kỹ trước khi ra quyết định nghỉ việc.
Cập nhật bởi
tranquanghung651999@gmail.com ngày 12/12/2022 11:38:32 CH
Cập nhật bởi
tranquanghung651999@gmail.com ngày 12/12/2022 11:38:08 CH