Dạo gần đây, rộ lên thông tin nhân viên cây xăng “nháy cò xăng” để ăn gian tiền của khách hàng. Vậy đối với những trường hợp nhân viên cây xăng bấm số sai, lừa đảo khách hàng như vậy bị phạt thế nào?
1. Vấn nạn “nháy cò xăng”, “bấm số” ở các cây xăng ?
Như các bạn đã biết, trạm bơm xăng thường có một đồng hồ điện tử hiện “giá tiền, lít xăng” và được điều khiển bằng bảng bấm nằm phía bên hông trạm xăng. Khi có khách hàng đến mua xăng và nói số tiền muốn đổ xăng thì nhân viên bán xăng sẽ đến bơm xăng cho khách rồi lợi dụng lúc khách hàng không để ý, có một nhân viên khác đến trạm bơm và ấn thật nhanh để đồng hồ điện tử nhảy lên số tiền khách muốn đổ.
Hiện đại hơn, nhân viên bơm xăng chỉ việc “nháy cò” 2 cái khi chưa đến số tiền đã đặt trước thì kim đồng hồ lập tức nhảy lên con số định mức và dừng việc bơm xăng. Với chiêu trò này các nhân viên trực tiếp ăn gian số tiền bán xăng còn khách hàng thì bị ăn bớt số xăng mình mua.
Đây chỉ là một trong những “thủ thuật” mà các nhân viên xăng dùng để lừa đảo tiền của khách hàng. Số tiền lừa đảo trong mỗi lần bơm tuy không lớn, nhưng xét theo sự quan trọng đặc biệt của ngành xăng dầu và nỗi bức xúc của rất nhiều người thì việc này quả là đáng lên án.
2. Nhân viên cây xăng bấm số sai, lừa đảo khách hàng bị phạt thế nào?
Căn cứ Điều 61 nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về những hành vi, vi phạm trong quan hệ với người tiêu dùng:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng:
- Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn;
- Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng;
- Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng;
- Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ;
- Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự;
- Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;
- Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Vì khách hàng thường đổ xăng không quá 1.000.000 đồng, nên trong trường hợp nhân viên cây xăng có hành vi "đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng" cụ thể là gian lận số lít xăng và tiền xăng của khách hàng thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ Điều 198 Bộ luật hình sự 2015, tội lừa dối khách hàng được quy định như sau:
- Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tùy theo tính chất của vụ việc mà nhân viên cây xăng sẽ bị mức án phạt khác nhau. Nhưng xét theo tình trạng thực tế, thông thường sẽ áp dụng xử phạt cảnh cáo hoặc tiền từ 500.000-1.000.000 đồng
3. Pháp luật bảo vệ quyền lợi khách hàng như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, khách hàng có thể:
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổng kết lại, hành vi bấm số sai, lừa đảo khách hàng là không thể chấp nhận và sẽ bị pháp luật chừng trị theo các quy định hiện hành. Người dân cũng phải thật cẩn trọng để tránh việc quyền lợi của bản thân bị xâm phạm.