Nhận và Xử lý quà tặng

Chủ đề   RSS   
  • #338394 12/08/2014

    luatsutraloi2

    Mầm

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:01/08/2014
    Tổng số bài viết (91)
    Số điểm: 680
    Cảm ơn: 95
    Được cảm ơn 16 lần


    Nhận và Xử lý quà tặng

     

    Dưới đầu đề “Quà biếu Chủ tịch tỉnh Cao Bằng được kiểm đếm công khai”, TTXVN đưa tin: Từ năm 2006 đến nay, các cá nhân, tập thể đã biếu tặng ông Lô Ích Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng hơn 1 tỷ đồng, 77.000 USD và 2 cây vàng. Chủ tịch Lô Ích Giang khẳng định với báo chí: toàn bộ số tiền được giao Văn phòng UBND tỉnh kiểm đếm công khai và chi cho công tác xã hội. Người trực tiếp quản lý số tiền này là anh Hà Đức Nhàn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh. Riêng năm 2007, chi 474.232.000 đồng để hỗ trợ xây dựng nhà văn hoá xã, Quỹ Khuyến học, mua máy vi tính cho Đồn biên phòng Sóc Hà, giúp trẻ mồ côi... Từ đầu năm 2008 đến nay, chi 285 triệu đồng giúp xây nhà văn hoá người Mông ở xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên; thưởng cho Công ty giống cây trồng; bồi dưỡng lái xe Văn phòng UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh dịp Tết; giúp hộ nghèo của Công ty môi trường đô thị...

    Bà Lê Thị Doan, Phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội hỏi: Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng xử lý quà tặng như vậy có đúng không?

     

    1. Việc cán bộ, công chức có chức quyền nhận quà tặng có thể diễn ở những thời gian và tại nhiều địa điểm khác nhau. Nhưng, “khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải báo cáo Thủ trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng” (khoản 2, Điều 12 Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng). Bản tin của TTXVN chưa làm rõ một vấn đề được nhiều người quan tâm: khoản tiền nêu trên là toàn bộ quà tặng mà đồng chí Chủ tịch Lô Ích Giang nhận được ở mọi nơi, mọi lúc hay đó chỉ là số quà tặng mà ông nhận tại Trụ sở cơ quan UBND tỉnh Cao Bằng? Thiết nghĩ, ngay trong trường hợp số quà tặng đó được ông nhận ở mọi nơi, mọi lúc (sau đó nộp lại cho cơ quan), thì với một tỉnh miền núi nghèo như Cao Bằng mà trong hơn hai năm, người ta “quà cáp” cho một công chức lãnh đạo số tiền lớn như vậy (hơn 1 tỷ đồng, 77.000 USD và 2 cây vàng) thì thật không bình thường. Theo đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chắc chắn sẽ còn gặp vô vàn khó khăn, trắc trở.

     

    2. Trong tình huống này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng không vụ lợi đối với khoản tiền, vàng mà ông được biếu. Nhưng việc ông giao anh Hà Đức Nhàn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh “trực tiếp quản lý” số tiền này  thì lại…sai mất rồi!

    Bởi vì, việc nhận quà và nộp lại quà tặng phải được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ (trước đó là Chỉ thị số 01/2002/CT-TTg ngày 28/01/2002 về việc cấm sử dụng tiền, tài sản của nhà nước, tập thể để thưởng, biếu, tặng cho các cá nhân, tổ chức không đúng quy định).

    Về trình tự xử lý quà tặng, Điều 13, Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg quy định: “…Quà tặng bằng tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá thì làm thủ tục nộp ngay vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính”. Như vậy, Ngân sách Nhà nước (cụ thể là Cơ quan Kho bạc) sẽ “trực tiếp quản lý” số tiền (quà biếu) này, chứ không phải anh Hà Đức Nhàn… “trực tiếp quản lý”! Thật vậy, khoản 2, Điều 18, Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg quy định:  “Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện chế độ kiểm soát chi ngân sách nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước qua kho bạc; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc nộp các khoản tiền được tặng vào ngân sách nhà nước”.

    3. Dù toàn bộ số tiền là “quà biếu” đã được chi cho các hoạt động xã hội - từ thiện, mua máy vi tính tặng Đồn biên phòng, thưởng cho doanh nghiệp, bồi dưỡng lái xe Văn phòng UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh nhân dịp Tết, vân vân… thì những khoản chi đó cũng vẫn sai, vì pháp luật không quy định Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền quyết định chi tiền đến các “địa chỉ” nêu trên bằng nguồn nhận từ… “quà biếu” !

     

    (Nguồn: Đăng trên Báo Thanh tra - 56/2008. 08/5 KTHT VN 15/2009)

    (Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn)

     

     

     
    4657 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #338392   12/08/2014

    luatsutraloi2
    luatsutraloi2

    Mầm

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:01/08/2014
    Tổng số bài viết (91)
    Số điểm: 680
    Cảm ơn: 95
    Được cảm ơn 16 lần


    Gặp “khúc mắc” khi mua cổ phiếu !

     

    Ông Tuyến là là cổ đông của Cty Cổ phần xây dựng giao thông Phú Yên (gọi tắt là Cty) mượn ông Hoành số tiền 100 triệu đồng. Ông Tuyến không khả năng trả nợ nên ngày 15/3/2007, đã viết giấy bán cho ông Hoành 10.000 cổ phiếu (10.000đ/1 cổ phiếu ) ghi rõ “để trừ nợ”. Ông Tuyến còn đưa ông Hoành đến gặp toàn thể Hội đồng quản trị Cty trình bày việc ông bán số cổ phiếu nói trên cho ông Hoành và đề nghị Cty xác nhận. Cty hứa sẽ xem xét, nhưng thực tế không giải quyết. Do nợ nần, ông Tuyến đã bỏ trốn. Ngày 10/4/2008, Cty Đại hội cổ đông, trong danh sách vẫn có tên ông Tuyến  sở hữu 10.000 cổ phiếu. Ông Hoành khiếu nại thì Cty cho biết, ngoài ông Hoành ra, ông Tuyến còn có giấy bán cổ phiếu cho người khác, do vậy không thể giải quyết riêng cho ông Hoành. Mặt khác, do ông Tuyến còn nợ tiền vay của một số người trong Cty nên doanh nghiệp buộc phải giữ lại số cổ phiếu này.

    Tôi xin được hỏi: Ông Hoành có thể gửi đơn đến Toà án để yêu cầu giải quyết việc 10.000 cổ phiếu thuộc về ai được không? Khi chưa có sự đồng ý của ông Tuyến, hoặc phán quyết của toà án thì Công ty có quyền sở hữu số cổ phiếu nói trên của ông Tuyến để trừ các khoản ông Tuyến đang nợ người của cơ quan không?  (Đoàn Pháp, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên).

     

    1. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 81 và khoản 5, Điều 84 Luật Doanh nghiệp (Khoản 3, Điều 81: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”. Khoản 5, Điều 84: “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ”).

    2. Điều 4 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy , nếu xảy ra tranh chấp quyền sở hữu 10.000 cố phiếu và có đủ căn cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, ông Hoành hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

     Tuy nhiên, theo ông Đoàn Pháp: “ngày 10/4/2008, Cty Đại hội cổ đông; danh sách cổ đông vẫn còn tên ông Tuyến với 10.000 cổ phiếu” thì thấy chưa đủ căn cứ kết luận Cty đã  “tranh quyền” sở hữu cổ phiếu của ông Tuyến.

    3. Ông Hoành cho biết: Cy Cổ phần xây dựng giao thông Phú Yên. giữ lại giá trị số cổ phiếu này vì ông Tuyến đã bỏ trốn do nợ nần; rằng ngoài việc bán cổ phiếu cho ông Hoành, “ông Tuyến còn có giấy bán cho người khác” (cũng không được Cty xác nhận); rằng “ông Tuyến có nợ tiền vay của một số cán bộ trong Công ty”…

    Cty căn cứ vào những lý do nêu trên để giữ lại giá trị số cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của ông Tuyến là không chặt chẽ về pháp lý. Hơn nữa, ông Tuyến “nợ tiền vay của nhiều người”, rồi ông Tuyến “bỏ trốn”… cho thấy dường như vụ việc đã có dấu hiệu hình sự. Nếu cũng nhận thấy như vậy, Cty nên cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để họ xem xét, giải quyết thì phù hợp. Từ đó, có thể vụ án sẽ được khởi tố để tiến hành điều tra? Khi ấy, tài sản, đồ vật, các tài liệu liên quan… sẽ được xử lý bằng các biện pháp được quy định tại Bộ Luật Tố tụng hình sự, trong đó có cả biện pháp kê biên tài sản “đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”./.

     

    (Đăng trên Báo Thanh tra - 52/2008. 29/4 KTHT VN 16/2009.)

    (Luật gia, Nhà Báo Nguyễn Chấn)

     

     

     

     
    Báo quản trị |