Thông thường đất giao khoán là đất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc đất rừng tại các nông trường, lâm trường,... Nhằm sử dụng đất khoán để canh tác theo thời gian đã thỏa thuận.
Vậy người nhận khoán đất khi sinh sống và làm việc trong nông trường thì có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không?
1. Đất giao khoán là gì?
Hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào giải thích và định nghĩa đất giao khoán là gì nhưng có thể hiểu đơn giản giao khoán đất là hình thức thỏa thuận thực hiện các hoạt động như quản lý, sử dụng, sản xuất và bảo vệ giữa bên giao khoán và bên nhận khoán.
Giao khoán đất là một hoạt động tiến hành giao đất cho người nhận khoán với mục đích sử dụng tài nguyên, nguồn vốn từ bên nhận khoán để canh tác, sử dụng theo hợp đồng.
2. Đất giao khoán có được cấp sổ đỏ và chuyển nhượng?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm:
- Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 Luật Đất đai 2013.
- Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
- Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
- Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Qua đó, pháp luật đất đai hiện hành không cho phép việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
3. Thời hạn của hợp đồng khoán là bao lâu?
- Thời hạn khoán công việc, dịch vụ:
Theo thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng tối đa không quá 01 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.
- Thời hạn khoán ổn định:
Theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc theo thỏa thuận giữa bên khoán và nhận khoán, nhưng tối đa không quá 20 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.
Trường hợp hợp đồng hết thời hạn, nếu bên nhận khoán không vi phạm hợp đồng khoán, đáp ứng được các tiêu chí, có nhu cầu nhận khoán thì được tiếp tục ký hợp đồng.
4. Quyền và trách nhiệm của bên nhận khoán
- Thực hiện đúng các giao kết trong hợp đồng khoán; chịu sự kiểm tra, giám sát của bên khoán theo nội dung hợp đồng và chịu trách nhiệm trước pháp Luật về những vi phạm về khoán.
- Được nhận bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên khoán vi phạm hợp đồng hoặc phải bồi thường thiệt hại cho bên khoán trong trường hợp vi phạm hợp đồng khoán.
- Được chia sẻ các lợi ích hình thành từ diện tích nhận khoán (nếu có) và thành quả lao động, kết quả đầu tư theo hợp đồng.
- Trong trường hợp bị thiên tai, rủi ro bất khả kháng bên nhận khoán được xem xét hỗ trợ thiệt hại từ nguồn vốn tự đầu tư theo quy định của pháp Luật.
Như vậy, người nhận khoán đất trong nông trường, lâm trường sẽ phải thực hiện theo hợp đồng khoán đã thỏa thuận và không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với tài sản khác gắn liền với đất.