Theo các thông tin mà các đơn vị báo chí và đài truyền hình phản ánh trong những ngày vừa qua, việc công bố thông tin nước mắm có chứa asen vượt quá ngưỡng của Bộ Y tế cho phép đã tạo ra tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng lẫn các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên khắp cả nước.
Chiều tối ngày 22/10/2016, Bộ Y tế đã lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp), trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm tra cho thấy, không phát hiện mẫu nước mắm nào chỉ được sản xuất từ nước và hóa chất.Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau.
Với kết quả kiểm nghiệm Asen: 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện Asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép của Bộ Y tế.
Liên quan đến vụ việc trên,Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội(cũng đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH NewVision Law) có quan điểm và nhận định của mình như sau:
– Thứ nhất,đối với các cơ quan báo chí:
Tại Điều 37 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định rõ:“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Tại Điều 10 Luật Báo chí năm 1989 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1999) quy định“những điều không được thông tin trên báo chí”:“Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân”. Điều này khẳng định, khi báo chí đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức thì cơ quan báo chí đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Theo Điều 9 Luật báo chí năm 1989 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1999) về “Cải chính trên báo chí” quy định:“Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận đó.
Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo chí của mình.
Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả.
Kể từ khi nhận được lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì trong thời hạn 05 ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình, 10 ngày đối với báo tuần,trong số ra gần nhất đối với tạp chí, cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu đó”.
Trong vụ việc này, khi có căn cứ cho rằng việc đưa thông tin này là sai sự thật, là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì việc đầu tiên cần phải làm đó là gửi đơn khiếu nại đến cơ quan báo chí đã đăng thông tin sai sự thật.Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính (Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011).
Điều 28 Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999) về “Xử lý vi phạm” quy định:“Cơ quan báo chí vi phạm quy định những giấy phép hoạt động báo chí, về những điều không được thông tin trên báo chí quy định tại Điều 10 của Luật báo chí, về cải chính trên báo chí và các quy định khác của pháp luật về báo chí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm đã bị cảnh cáo và phạt tiền, thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng đĩa ghi âm, ghi hình, đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.
Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại lớn đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.
Người đứng đầu cơ quan báo chí, nhà báo, người hoạt động nghiệp vụ báo chí khác vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất vụ việc, mức độ vi phạm vướng phải mà bị xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, nếu cơ quan báo chí đã đưa thông tin sai sự thật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng đĩa ghi âm, ghi hình, đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật. Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.
Ngày 07/08/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2015/NĐ-CP về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật”.Tại Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Theo Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP phạt tiền đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật, cụ thể mức phạt như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối vớihành vi:Đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối vớihành vi:Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối vớihành vi: a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng;
Ngoài ra, theo Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, buộc cải chính, xin lỗi.
– Thứ hai,đối với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS):
Ở đây, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (gọi tắt là “Vinastas”) không có quyền công bố thông cáo báo chí đó và nó thuộc quyền của cơ quan quản lý Nhà nước.Việc công bố như vậy là không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật vì người công bố chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không là thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế.Nếu muốn làm thì Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phải được Bộ Y tế ủy quyền để thực hiện việc công bố đó.
Ngoài ra, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã không công bố bóc tách ra là hàm lượng asen vượt chuẩn kia là vô cơ (có hại cho sứa khỏe) hay hữu cơ (không có hại cho sức khỏe), mà chỉ công bố chung là asen tổng. Việclàm này khiến người dân hiểu theo hướng khác, gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất mắm truyền thống.
Điều 27 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì khi cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác không đúng sự thật sẽ bị xử phạt như sau:
“Điều 27.Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây:
a) Không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật”.
Ngoài hình thức phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiệnbiện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm vi phạm đối với hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.