Vừa qua, nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, một câu nói, một bài hát hay thậm chí chỉ 1 câu hát cũng có thể trở nên viral. Việc hát nhạc chế cũng từ đó mà gặp nhiều trái chiều hơn khi có người đồng tình và người không. Một phần cho rằng đó chỉ là những lời nhạc vui vẻ giải trí, một phần lại cho rằng mất đi ý nghĩa của bài hát, phá nát giá trị ban đầu, vi phạm quyền tác giả? Vậy quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào? Nhạc chế có vi phạm quyền tác giả hay không?
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sở hữu trí tuệ 2009 như sau:
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
(1) Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
(2) Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộquy định tại khoản 1 Điều 14 nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Theo đó, tác phẩm âm nhạc là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định nêu trên.
Theo hướng dẫn tại Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
Viết lại lời bài hát có vi phạm bản quyền không?
Quyền tác giả được bảo hộ bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân. Việc viết lại lời bài hát dựa trên tác phẩm âm nhạc đã công bố là việc sử dụng quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, cụ thể là khai thác tác phẩm âm nhạc này làm tác phẩm phái sinh.
Thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc theo điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.
Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 năm sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009, tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Có thể thấy, viết lại lời bài hát là việc sử dụng tác phẩm âm nhạc đã có để phóng tác - phỏng theo nội dung của một tác phẩm mà viết lại thành một tác phẩm khác theo một yêu cầu nhất định.
Khi tổ chức, cá nhân muốn sử dụng một tác phẩm âm nhạc đang trong thời hạn bảo hộ để viết lại lời mới mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Nếu làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:
Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Còn nếu thời hạn bảo hộ tác phẩm đã hết, tổ chức, cá nhân khác có thể sử dụng tác phẩm này mà không cần phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao đối với chủ sở hữu quyền tác giả.
Do đó, khi có nhu cầu viết lại lời bài hát thì các tổ chức, cá nhân nên liên hệ với tác giả để xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao (nếu cần).