Vừa qua ngày 6/6/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2024/NĐ-CP quy định đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Cụ thể sau đây.
Nghị định 61/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 22/7/2024, thay thế các Nghị định 89/2014/NĐ-CP và Nghị định 40/2021/NĐ-CP.
Đối tượng nào được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú?
Theo Điều 2 Nghị định 61/2024/NĐ-CP quy định những đối tượng sau đây sẽ nằm trong phạm vi được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú:
- Cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các đơn vị văn hóa, nghệ thuật công lập;
- Cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các đơn vị văn hóa, nghệ thuật ngoài công lập;
- Cá nhân đang làm công tác giảng dạy hoặc quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhưng vẫn tham gia hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp;
- Cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp tự do;
- Cá nhân hoạt động sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật;
Cụ thể các cá nhân này bao gồm:
- Diễn viên: hát, múa, nhạc, ngâm thơ; diễn viên thuộc các lĩnh vực: Tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, kịch nói, kịch hình thể, nhạc kịch, nhạc vũ kịch, xiếc, múa rối; diễn viên điện ảnh; diễn viên truyền hình;
- Đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp ca múa nhạc; đạo diễn tác phẩm của các lĩnh vực: Tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, kịch nói, kịch hình thể, nhạc kịch, kịch múa, nhạc vũ kịch, xiếc, múa rối;
Đạo diễn điện ảnh, đạo diễn truyền hình của các thể loại phim: Phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và phim kết hợp nhiều loại hình; đạo diễn sân khấu truyền thanh; đạo diễn sân khấu truyền hình;
- Người làm âm thanh (đạo diễn âm thanh) trong tác phẩm điện ảnh, truyền hình; người làm âm thanh trong tác phẩm sân khấu; người làm ánh sáng sân khấu và chương trình nghệ thuật tổng hợp;
- Biên đạo múa; chỉ huy dàn nhạc; chỉ huy hợp xướng; chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch; chỉ đạo nghệ thuật;
- Quay phim (đạo diễn hình ảnh) điện ảnh và truyền hình của các thể loại: Phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim kết hợp nhiều loại hình;
- Họa sĩ tạo hình con rối; họa sĩ tạo hình, diễn xuất phim phim hoạt hình; họa sĩ thiết kế trang trí sân khấu; họa sĩ thiết kế mỹ thuật phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình; họa sĩ hóa trang, thiết kế trang phục sân khấu, phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình;
- Phát thanh viên phát thanh, phát thanh viên truyền hình hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật;
- Nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc, nhà nhiếp ảnh.
Như vậy, các cá nhân trên nếu đáp ứng đủ điều kiện cụ thể và thực hiện các thủ tục theo quy định thì sẽ được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.
Nguyên tắc, thời gian xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú từ 22/8/2024
Nguyên tắc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú:
Theo Điều 4 Nghị định 61/2024/NĐ-CP được quy định nguyên tắc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú" như sau:
- Thực hiện theo quy định tại điểm a, b và điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng 2022. Cụ thể:
+ Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;
+ Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;
+ Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;
- Hội đồng các cấp chỉ được trình cấp trên có thẩm quyền xem xét các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.
- Không xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” cho đồng tác giả của tác phẩm âm nhạc và tác phẩm nhiếp ảnh.
Như vậy, từ ngày 22/8/2024, việc xét tặng các danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc trên.
Thời gian xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú:
Theo Điều 5 Nghị định 61/2024/NĐ-CP quy định thời gian xét tặng, công bố và tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú như sau:
- Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được xét tặng và công bố theo quy định tại khoản 4 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng. Cụ thể:
Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được xét tặng và công bố 03 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Như vậy, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú sẽ được xét tặng và công bố 3 năm 1 lần vào ngày 2/9 - Ngày Quốc khánh nước Việt Nam.
Người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có quyền lợi gì?
Theo Điều 6 Nghị định 61/2024/NĐ-CP quy định quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” như sau:
- Cá nhân được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân có nghĩa vụ giữ gìn hiện vật được khen thưởng; tiếp tục lao động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật để có nhiều bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị phục vụ Nhân dân.
Như vậy, sau khi được nhận những danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, người được tặng sẽ được Huy hiệu, Bằng chứng nhận, tiền thưởng,... Đi cùng với đó cũng là những nghĩa vụ để giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật.
Nghị định 61/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 22/7/2024, thay thế các Nghị định 89/2014/NĐ-CP và Nghị định 40/2021/NĐ-CP.