Liên thông thư viện là một cơ chế quan trọng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực thư viện thông qua việc chia sẻ và kết nối tài nguyên giữa các thư viện. Trong đó, Nghị định 93/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc liên thông thư viện.
1. Nguyên tắc liên thông thư viện
Căn cứ Điều 24 Nghị định 93/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc liên thông thư viện, bao gồm:
- Bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và tổ chức, cá nhân cho hoạt động thư viện.
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện của người sử dụng.
- Được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, hợp tác có thỏa thuận và có sự phân công, phối hợp giữa các thư viện.
- Chia sẻ, liên kết các cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định của pháp luật có liên quan.
- Bảo đảm quản lý và sử dụng tài nguyên thông tin liên thông đúng mục đích, hiệu quả, đúng quy chế liên thông.
2. Cơ chế liên thông thư viện
Căn cứ Điều 29 Nghị định 93/2020/NĐ-CP thì cơ chế liên thông thư viện được quy định như sau:
(1) Thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư chủ trì xây dựng, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện như sau:
- Tạo lập, chia sẻ dữ liệu, kết quả xử lý, tài nguyên thông tin số theo quy định của pháp luật;
- Biên soạn, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thư viện dùng chung;
- Xây dựng và hình thành hệ thống mục lục liên hợp; quản lý các thư viện trong nhóm, kiểm soát chất lượng cơ sở dữ liệu; giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến nghiệp vụ; bảo đảm an toàn, bảo mật và sao lưu hệ thống;
- Là đầu mối trao đổi tài nguyên thông tin, cung cấp quyền truy cập tài liệu số; phục vụ các yêu cầu sử dụng cá biệt.
(2) Các thư viện tham gia hợp tác trong việc bổ sung, mua quyền truy cập và chia sẻ tài nguyên thông tin nước ngoài như sau:
- Tạo lập, xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu kết nối, chia sẻ, đóng góp tài nguyên của thư viện cho nhóm dùng chung theo điều lệ, quy chế liên kết;
- Tham gia xây dựng chính sách về mức độ chia sẻ, quyền truy cập của người sử dụng thư viện; chính sách thu phí, giá dịch vụ theo quy định hiện hành;
- Tận dụng kết quả xử lý tài nguyên thông tin, các sản phẩm và dịch vụ thông tin của các thư viện khác phục vụ người sử dụng;
- Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả.
Trong đó, các phương thức liên thông thư viện được quy định tại Điều 30 Nghị định 93/2020/NĐ-CP, gồm:
- Liên thông giữa các thư viện theo khu vực địa lý trên phạm vi quốc tế, khu vực, quốc gia, vùng, miền, trên cùng địa bàn.
- Liên thông theo nhóm giữa các thư viện có cùng chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ.
- Liên thông giữa các thư viện có cùng lĩnh vực, nội dung tài nguyên thông tin về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ và các lĩnh vực khác.
- Liên thông giữa các loại thư viện quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Thư viện.
Như vậy, liên thông thư viện theo Nghị định 93/2020/NĐ-CP là một giải pháp quan trọng để tối ưu hóa việc chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin giữa các thư viện, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người sử dụng. Với các nguyên tắc chặt chẽ về hợp tác, tuân thủ quy định pháp luật và bảo đảm an toàn thông tin, cơ chế này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực mà còn tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hệ thống thư viện trên toàn quốc. C