Nguyên tắc cơ bản về giao kết hợp đồng thương mại và điều kiện để hợp đồng thương mại có hiệu lực?

Chủ đề   RSS   
  • #617593 17/10/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12199
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 209 lần


    Nguyên tắc cơ bản về giao kết hợp đồng thương mại và điều kiện để hợp đồng thương mại có hiệu lực?

    Tìm hiểu một số nguyên tắc cơ bản về giao kết hợp đồng thương mại? Các điều kiện cơ bản để một hợp đồng thương mại được coi là có hiệu lực?

    Nguyên tắc cơ bản về giao kết hợp đồng thương mại?

    Về nguyên tắc, hợp đồng thương mại vẫn tuân theo các quy định cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015 để điều chỉnh các quan hệ trong hợp đồng. Do đó, các nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự 2015 áp dụng cho hợp đồng dân sự cũng được áp dụng cho hợp đồng thương mại. Khi giao kết hợp đồng thương mại, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

    Thứ nhất, tự do giao kết hợp đồng nhưng không được vi phạm các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

    Đây là nguyên tắc áp dụng chung cho cả hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại. Các bên có quyền tự do thể hiện ý chí, lựa chọn giao kết hay không giao kết hợp đồng, cũng như thỏa thuận về các điều khoản trong hợp đồng để đàm phán. Tuy nhiên, nội dung của hợp đồng không được trái với quy định của pháp luật và phải tuân thủ các nguyên tắc về đạo đức xã hội.

    Thứ hai, các bên tham gia giao kết hợp đồng phải tự nguyện, thiện chí, trung thực và đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

    Mục đích chính của việc tham gia hợp đồng thương mại là nhằm tìm kiếm lợi nhuận, do đó các bên cần đàm phán các điều khoản sao cho có lợi nhất cho mình. Tuy nhiên, sự thương lượng phải dựa trên tính trung thực, tự nguyện và thiện chí. Không bên nào được phép sử dụng các biện pháp như đe dọa, lừa dối, hay cưỡng ép bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng. Nếu có sự gian lận, đe dọa hoặc các hành vi ép buộc, hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu. Do đó, các bên cần chú trọng đến tính trung thực và thiện chí nhằm đạt được lợi ích chung.

    Điều kiện để hợp đồng thương mại có hiệu lực?

    Điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự thông thường được quy định chung tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015:

    “Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

    1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

    b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

    c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

    Theo đó, hợp đồng thương mại được xác định là một giao dịch dân sự thuần tùy nên sẽ phải thỏa các điều kiện trên. Cụ thể, ba điều kiện cơ bản để một hợp đồng thương mại được coi là có hiệu lực:

    Chủ thể tham gia phải đảm bảo năng lực hành vi dân sự: Mọi chủ thể tham gia ký kết hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự, tức là có khả năng thực hiện hành vi trong trạng thái tỉnh táo, không bị ép buộc hoặc đe dọa. Trong số các chủ thể tham gia giao kết, phải có ít nhất một chủ thể có tư cách thương nhân, như quy định tại Điều 7 của Luật Thương mại 2005.

    Nội dung hợp đồng phải phù hợp với pháp luật: Tất cả các điều khoản trong hợp đồng thương mại cần tuân thủ quy định của pháp luật và đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Nội dung hợp đồng cần có sự thống nhất giữa các bên tham gia, và phải nêu rõ một số yếu tố cơ bản như loại hàng hóa, dịch vụ, giá cả, số lượng cụ thể, hình thức và thời điểm thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như phương thức giải quyết tranh chấp nếu phát sinh.

    Hình thức của hợp đồng: Hợp đồng thương mại cần được lập theo hình thức mà pháp luật công nhận. Tuy nhiên, Luật Thương mại 2005 chưa có quy định chung về hình thức hợp đồng thương mại, do đó, tùy thuộc vào từng loại hợp đồng cụ thể, các bên cần tuân thủ các quy định liên quan. Ví dụ, với hợp đồng bảo hiểm, hình thức giao kết bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản.

    (Bài viết được tham khảo từ một số bài báo, công trình khoa học liên quan)

     
    41 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận