Nguyên đơn có phải thực hiện nghĩa vụ gửi bản sao đơn khởi kiện và tài liệu khởi kiện cho bị đơn xem sau khi được Tòa án thụ lý hay không?
Nguyên đơn có phải gửi bản sao đơn khởi kiện cho bị đơn sau khi đơn được thụ lý không?
Theo Điều 196 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định thông báo về việc thụ lý vụ án như sau:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
Đối với vụ án do người tiêu dùng khởi kiện thì Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án.
- Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;
+ Tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý vụ án;
+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện;
+ Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết;
+ Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường hay thủ tục rút gọn;
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện;
+ Thời hạn bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có);
+ Hậu quả pháp lý của việc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện.
- Trường hợp nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì kèm theo thông báo về việc thụ lý vụ án, Tòa án gửi cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bản sao tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp.
Như vậy, trách nhiệm gửi bản sao tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp (trong đó có bao gồm đơn khởi kiện) sẽ thuộc về Toà án khi nguyên đơn có đơn yêu cầu.
Sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án thì bị đơn có trách nhiệm gì?
Theo Điều 199 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định quyền, nghĩa vụ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi nhận được thông báo:
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).
Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày.
- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án cho xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
Như vậy, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án thì bị đơn phải có văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn kèm theo tài liệu, chứng cứ, yêu cầu (nếu có) nộp cho Toà án trong vòng 15 ngày.
Hồ sơ vụ án dân sự bao gồm những gì?
Theo Điều 204 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định về lập hồ sơ vụ án dân sự như sau:
- Hồ sơ vụ án dân sự bao gồm đơn và toàn bộ tài liệu, chứng cứ của đương sự, người tham gia tố tụng khác; tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập liên quan đến vụ án; văn bản tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án dân sự.
- Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ án dân sự phải được đánh số bút lục, sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm. Giấy tờ, tài liệu có trước thì để ở dưới, giấy tờ, tài liệu có sau thì để ở trên và phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hồ sơ vụ án dân sự bao gồm đơn khởi kiện và toàn bộ tài liệu, chứng cứ của tất cả những người tham gia tố tụng, của Tòa án, Viện kiểm sát.