Người nuôi chó, mèo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải thực hiện đăng ký, kê khai

Chủ đề   RSS   
  • #609848 22/03/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27118
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 562 lần


    Người nuôi chó, mèo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải thực hiện đăng ký, kê khai

    Nội dung trên là một trong những đề xuất được Sở NN-PTNT gửi UBND TP.HCM về Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, còn có nhiều đề xuất khác về quy mô nuôi nhốt, quản lý tiếng ồn. Cụ thể như sau.

    Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn chó trên cả nước lên đến 10,3 triệu con, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn. Đối với địa bàn TP Hồ Chí Minh, có hơn 184.000 chó, mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 34% nuôi ở khu vực 05 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

    (1) Nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký, kê khai định kỳ 2 lần/năm

    Theo Dự thảo, chủ vật nuôi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp Xã. Đồng thời, cũng khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip (chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý) trên chó, mèo nhằm quản lý thông tin ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...). 

    Kế đến, Dự thảo quy định người dân nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần một năm. Đối với chó, mèo nhập về nuôi mới, phải thực hiện đăng ký trong vòng 03 ngày hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, chủ  nuôi có trách nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường hoặc nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải thực hiện cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương.

    Giải thích cho những đề xuất nêu trên, Sở NN-PTNT cho biết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân. Đồng thời, cũng là để xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả, đảm bảo quyền gia súc cho chó, mèo. Qua đó, tăng cường ý thức của cộng đồng về trách nhiệm nuôi dưỡng chó, mèo và đối xử nhân đạo đối với chó, mèo.

    (2) Phân loại quy mô, hạn chế nuôi chó dữ

    Tại nội dung này, Dự thảo chia quy mô nuôi chó, mèo theo 03 mức như sau:

    - Mức 01: Dưới 10 cá thể chó hoặc dưới 20 cá thể mèo.

    - Mức 02: Từ 10 đến 50 cá thể chó hoặc nuôi từ 20 đến 100 cá thể mèo.

    - Mức 03: Từ 50 cá thể chó hoặc từ 100 cá thể mèo trở lên.

    Trường hợp hộ gia đình nuôi cùng lúc cả chó và mèo thì tính 01 cá thể chó tương đương 2 cá thể mèo.

    Bên cạnh đó, Dự thảo còn đề xuất hạn chế nuôi những loại chó to, có bản tính hung dữ như chó Pit Bull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiro (Brazil). Trường hợp nuôi những loại chó dữ nêu trên, thì khi nuôi giữ ở trong nhà hoặc nuôi trong chuồng ngoài trời phải luôn chú ý tránh để chó ngoài tầm kiểm soát của chủ và tấn công người hay thú khác.

    Đối với chuồng nuôi chó dữ, theo Dự thảo, phải đảm bảo không để mọi người tiếp cận, có bảng cảnh báo chó dữ. Chuồng nuôi cũng cần chỗ ngủ phù hợp với điều kiện thời tiết; diện tích sàn tối thiểu 01 m2/cá thể, chiều cao và chiều rộng tối thiểu 1,8m.

    (3) Đảm bảo vệ sinh và quản lý tiếng ồn của chó, mèo

    Theo Dự thảo, chủ nuôi có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tiếng ồn do chó, mèo gây ra không được vượt quá 70dB với khung giờ từ 06 đến 21 giờ và 55dB với khung giờ từ 21 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau.

    Về vấn đề vệ sinh môi trường, người nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký và cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành. Trường hợp đưa chó ra nơi công cộng, ngoài việc chó phải được rọ mõm, xích giữ thì người chủ còn phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn sạch chất thải do chó thải ra nơi công cộng.

    Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất chủ vật nuôi phải thực hiện đối xử nhân đạo với chó, mèo như cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

     
    353 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (11/05/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận