Khi người đứng tên doanh nghiệp không phải là chủ sở hữu thật sự của doanh nghiệp đó thì có thể xảy ra vấn đề sau:
Người nước ngoài sẽ phải thông qua người đứng tên doanh nghiệp để điều phối hay quyết định bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của doanh nghiệp.
Người nước ngoài có thể gặp phải nguy cơ mất mát về tài sản nếu không kiểm soát được hoạt động của người nắm “con dấu” doanh nghiệp trong tay.
Người đứng tên doanh nghiệp có thể thực hiện những hành vi có lợi bản thân nhưng bất lợi cho doanh nghiệp.
Người đứng tên doanh nghiệp có thể “bán” doanh nghiệp mà không cần thông qua ý kiến của người nước ngoài.
Trước những hành vi trên, khởi kiện là một hướng giải quyết. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi người Việt Nam đứng tên thành lập doanh nghiệp thì người Việt Nam là chủ sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp đó. Giành lại quyền và lợi ích của mình đã bị xâm hại thông qua con đường tố tụng sẽ vướng nhiều khó khăn, vì hành vi của người Việt Nam là hợp pháp.
Để bảo vệ phần nào quyền lợi cho mình, người nước ngoài có thể kiểm soát doanh nghiệp bằng cách:
Thuê người quản lý doanh nghiệp hoặc tham gia vào hoạt động quản lý doanh nghiệp với tư cách là người đại diện pháp luật;
Trở thành thành viên (cổ đông) của doanh nghiệp góp vốn hoặc mua vốn của doanh nghiệp đó;
Chờ đợi thời điểm thích hợp để người nước ngoài không ít bị hạn chế về quyền khi đầu tư vào doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nhưng khi không còn giải pháp nào khác, thì khởi kiện là lựa chọn cuối cùng.
Để khởi kiện, người nước ngoài phải có chứng cứ về việc gửi tiền cho người Việt Nam thực hiện việc thành lập doanh nghiệp và để người Việt Nam đứng tên.
Căn cứ Điều 122, Điều 127, Điều 129 Bộ luật Dân sự 2005, Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ tuyên giao dịch giữa người nước ngoài và người Việt Nam về việc đứng tên doanh nghiệp thay là vô hiệu.
Người Việt Nam sẽ phải trả lại số tiền đã nhận trước đây để thành lập doanh nghiệp hộ cho người nước ngoài, lúc này người Việt Nam sẽ trở chủ sở hữu chính thức và hợp pháp của doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên, nếu người đứng tên doanh nghiệp không có khả năng hoàn trả thì doanh nghiệp sẽ được “bán” hoặc chuyển nhượng để người nước ngoài nhận lại số tiền đó. Lúc này, nếu người nước ngoài vẫn tiếp tục muốn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì sẽ có hai hướng giải quyết:
Một, người nước ngoài trực tiếp đứng tên thành lập lại doanh nghiệp khác, nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về trình tự, thủ tục và thời gian.
Hai, người nước ngoài trực tiếp “mua lại” doanh nghiệp đó, nhưng không đưa tiền cho người Việt Nam mà giữa người nước ngoài và người Việt Nam phải có biên bản xác nhận hai bên không còn nghĩa vụ pháp lý đối với nhau nữa. Khi đó người nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về trình tự, thủ tục sang tên, chuyển nhượng doanh nghiệp.
Nguồn: Công ty luật PLF