Phát ngôn dung tục và "thuần phong, mỹ tục" - Ảnh minh họa
Tất cả mọi công dân cho dù có phải người nổi tiếng hay không cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật như thế nào để xử phạt lại là một câu chuyện khác.
Hình thức xử phạt đang được áp dụng
Thời gian vừa qua, không ít người nổi tiếng là ca sĩ, Youtuber, hay gần đây nhất là một số thí sinh của các show truyền hình bị dư luận “ném đá” vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực của mình trên mạng xã hội. Hiện nay Nghị định 15/2020/NĐ-CP điều chỉnh những vi phạm hành chính liên quan đến trách nhiệm của người dùng trên mạng xã hội.
Trên thực tế, việc xử phạt những hành vi này áp dụng căn cứ tại Điều 101 Nghị định 15 như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
…
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
…”
Ngoài ra người vi phạm còn bị bắt buộc gỡ bỏ những thông tin sai phạm khởi mạng xã hội.
Như vậy có thể hiểu những phát ngôn dung tục được coi là “thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” hay không?
Để trả lời cho câu hỏi đó, ta cần đi tìm quy định của pháp luật về “thuần phong, mỹ tục”. Tuy nhiên, có một sự thật là chưa từng có văn bản nào hướng dẫn cách hiểu khái niệm này khi xử phạt hành chính.
Xét trên khía cạnh ngôn ngữ, “thuần phong” tức là những phong tục thuần hậu, thuần túy, “mỹ tục” là những tục lệ tốt đẹp được lưu truyền. Cả hai khái niệm này đều chỉ là định tính, vì những gì liên quan đến văn hóa đều có thể thay đổi theo thời gian và không gian. Ngược lại, pháp luật phải mang tính thi hành chung cho cả xã hội.
Quay trở lại với những trường hợp bị xử phạt vi phạm “thuần phong mỹ tục”, từng có một người hoạt động trên Youtube bị xử phạt khi nấu cháo gà mà để gà còn nguyên lông vì cơ quan chức năng cho rằng hành vi này không đúng với “thuần phong, mỹ tục”.
Mặc dù vậy, trên thực tế việc nấu món ăn với gà để nguyên lông không phải là chưa từng có trong phong tục của người Việt, chẳng hạn như món gà nấu bằng đất sét, món ăn này cần đất sét đắp lên gà nguyên lông để khi chín thì bóc cả đất lẫn lông. Trong trường hợp này người xử phạt đã dựa vào ý kiến chủ quan của mình để đưa ra hình phạt, một cách xử phạt hiếu chặt chẽ và hoàn toàn có thể bị khiếu nại.
Riêng đối với việc chửi thề, chửi tục, đã có quan điểm cho rằng “Chửi tục không thuộc lĩnh vực thuần phong mỹ tục, mà nói như thế nào để giữ cho tiếng Việt trong sáng, rõ nghĩa thì mới là thuần phong mỹ tục. Còn nói chuyện hay lên mạng xã hội phát ngôn tục tĩu thì đó là tính văn hóa trong giao tiếp”
Nếu áp dụng cách lập luận “chửi tục” là vi phạm "thuần phong mỹ tục", e rằng số người bị xử phạt từ 6 – 8 triệu đồng theo Điểm b Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15 là vô kể!
Ngoài ra, công dân có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật khiếu nại 2011.
Theo quan điểm của người viết, nếu muốn xử lý hành vi chửi thề, phát ngôn dung tục, v.v trên mạng xã hội, cần phải cân nhắc hành vi đó được thực hiện với mục đích gì, tác động đến đối tượng nào, trong hoàn cảnh ra sao để có thể chỉ ra được hành vi xâm phạm có gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của xã hội hay không.
Đối với bạn đọc, “thuần phong mỹ tục” hiểu như thế nào?
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 13/11/2020 11:21:31 SA