Dọa đánh người trên MXH - Minh họa
Với góc nhìn của một người học luật, công tác trong lĩnh vực pháp luật và thường xuyên cập nhật tin tức từ truyền thông, mạng xã hội, tôi phải khẳng định rằng rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay là những người đang rất thiếu hiểu biết về pháp luật.
Xin lấy một ví dụ nhỏ về việc hù dọa đánh người trên livestream và những dòng trạng thái tạo thành cơn sốt vì được nhiều người chia sẻ!
Nói về hành vi hù dọa, trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) chỉ có quy định về tội “đe dọa giết người” và “cố ý gây thương tích”, như vậy hành vi đe dọa đánh người có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì hay không?
Vâng, chắc chắn là có. Trước hết tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định như sau :
"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác
Tiếp đó, vì hành vi đe dọa này được thực hiện trên môi trường mạng, sử dụng thông tin số.
Sản phẩm nội dung thông tin số là những văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường mạng. (Đây là định nghĩa tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP)
Theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
...”
Như vậy có thể thấy, chỉ với một vài lời nói, video đe dọa nhằm thỏa mãn sự hung hãn, khoe mẽ trên mạng, bạn hoàn toàn có thể phải nộp phạt hàng chục triệu đồng!
Phải chăng các anh chị nghệ sĩ chưa được biết về những quy định này, hay họ xem 20 triệu đồng là quá nhỏ?
Vấn đề thứ hai cần phân tích là việc đòi bồi thường khi cho rằng sự đe dọa, xúc phạm của người khác làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm.
Đồng ý rằng việc đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được pháp luật quy định cụ thể ở Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.”
Tuy nhiên, để có thể đòi hỏi khoản tiền bồi thường từ người đe dọa mình, bạn phải chứng minh được những thiệt hại kể trên.
Có người lên mạng đòi 30 tỷ vì cho rằng người khác xúc phạm mình, như vậy phải anh ta cho rằng thu nhập của mình trong thời gian bị xúc phạm có giá trị lên đến 30 tỷ đồng?
Điều này nghe có vẻ không hợp lý, vì thời gian bị người khác xúc phạm, anh ta vội vàng bỏ hàng giờ liền lên mạng đối đáp, như vậy rõ ràng chính anh ta đang gây thiệt hại cho bản thân mình thì đúng hơn!
Ở một góc nhìn khác, giả sử anh ta cho rằng danh dự, nhân phẩm của mình xứng đáng với cái giá 30 tỷ đồng - xin mời độc giả cùng nhận định về giá trị tương quan giữa nhân cách của anh ta và con số này!