Lương là vấn đề quan tâm nhất của những người lao động. Tuy nhiên, có một thực tế khá “ngược đời” được dư luận quan tâm không ít, đó là nhiều người than trời vì “bị” tăng lương. Vậy lý do vì đâu? Bài viết này xin được khai thác một phần lý do của vấn đề trên liên quan đến khía cạnh pháp luật.
Lý do chủ yếu ở đây đó chính là sự lỗi thời của Luật thuế thu nhập cá nhân, mà cụ thể là quy định về mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, mấy năm trở lại đây, chi phí tối thiểu của người dân tăng mạnh, ví dụ đơn giản như tiền điện, nước, xăng, học phí, thậm chí là phí gửi xe cũng tăng mạnh, nhưng thuế thu nhập cá nhân không được điều chỉnh, làm cho người dân phải đóng thuế nhiều hơn. Bên cạnh đó, trường hợp nếu CPI tăng 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực ban hành thì cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, so với thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành, CPI đã tăng lên rất nhiều % thì các quy định này đã không còn phù hợp nữa.
Bên cạnh đó, sự bất hợp lý của các bậc thuế cũng làm không ít người lao động rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Một chị nhân viên văn phòng ở TP.HCM cho biết, chị vừa mới được tăng lương cho tháng vừa rồi được 200.000 đồng (vì công ty chị tính lương tháng theo năng suất lao động) mà chị đã rơi vào tình trạng đóng thuế cô gấp đôi vì rơi vào bậc thuế mới. Chị cho hay, nếu không tăng được nhiều thì thà đừng tăng còn hơn vì tăng ít nhưng phải đóng thuế nhiều thì lương thực tế còn ít hơn cả lúc chưa tăng.
Thiết nghĩ, cùng với sự tăng trưởng của kinh tế cũng như gia tăng của chi phí sống tối thiểu, Nhà nước cần có phương án điều chỉnh Luật thuế thu nhập cá nhân hoặc chí ít cần ban hành các văn bản dưới Luật hướng dẫn hợp lý, nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân hiện nay.