Người lao động là dân tộc thiểu số được ưu tiên gì khi làm việc tại công ty? Thế nào là phân biệt đối xử trong lao động? Người lao động là người dân tộc thiểu số có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ những gì?
1. Người lao động là dân tộc thiểu số được ưu tiên gì khi làm việc tại công ty?
Hiện trong quy định của Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan không có chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho người lao động làm việc trong công ty là dân tộc thiểu số. Việc ưu tiên, hỗ trợ này doanh nghiệp có thể tự xây dựng thông qua quy chế, quy định của công ty.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động. Theo đó, phân biệt đối xử trong lao động là hành vi bị cấm.
Như vậy, hiện pháp luật không có quy định về chế độ ưu tiên dành cho người lao động khi làm việc tại Công ty. Doanh nghiệp có thể tự xây dựng quy định, quy chế riêng liên quan đến vấn đề này nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy định về phân biệt đối xử.
2. Thế nào là phân biệt đối xử trong lao động?
Căn cứ khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định về phân biệt đối xử trong lao động. Theo đó, phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Như vậy, phân biệt đối xử trong lao động được quy định cụ thể như trên. Trường hợp có hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên dân tộc có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp được xem là hành vi bị cấm.
3. Người lao động là người dân tộc thiểu số có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ những gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật việc làm 2013 quy định về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, người lao động là người dân tộc thiểu số có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ:
- Học nghề, ngoại ngữ; hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động;
- Đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động;
- Vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Như vậy, người lao động là người dân tộc thiểu số có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ về học nghề, ngoại ngữ; hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động; được đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động và vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, hiện pháp luật không có quy định ưu tiên cho người lao động là dân tộc thiểu số khi làm việc tại công ty; chỉ có quy định về ưu tiên tham gia chính sách việc làm công và chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc ưu tiên người lao động là dân tộc thiểu số phụ thuộc vào chính sách của mỗi công ty nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.