Người đang đi tù thì có được kết hôn không?

Chủ đề   RSS   
  • #610983 26/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 503 lần


    Người đang đi tù thì có được kết hôn không?

    Kết hôn là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người, tuy nhiên người đang chấp hành án phạt tù sẽ bị giới hạn một số quyền công dân. Vậy người đang đi tù thì có được kết hôn không?

    Người đang đi tù thì có được kết hôn không?

    Theo khoản 1 Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người đi tù sẽ bị tước một số quyền công dân như sau:

    - Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật Hình sự 2015 quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

    + Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

    + Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

    - Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

    Như vậy, quyền tự do kết hôn của người đang đi tù sẽ không bị tước bỏ và cũng không bị cấm. 

    Người đang đi tù có được làm thủ tục đăng ký kết hôn không?

    Theo quy định tại Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014 về thủ tục đăng ký kết hôn:

    - Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.

    - Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. 

    Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

    Theo khoản 17 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về việc trích xuất phạm nhân như sau:

    Trích xuất là việc thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định.

    Theo đó, phạm nhân chỉ được trích xuất ra khỏi trại giam để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định mà không được trích xuất để thực hiện việc đăng ký kết hôn. 

    Đồng thời, Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trích xuất phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, cũng không quy định đối với trường hợp này. 

    Như vậy, việc đăng ký kết hôn là không thể ủy quyền mà bắt buộc cả 2 bên phải có mặt để đăng ký kết hôn. 

    Mặc dù luật không tước quyền kết hôn của những người đang chấp hành án phạt tù nhưng họ đang chịu sự quản lý ràng buộc của Nhà nước, đồng thời những quy định bắt buộc về thủ tục đăng ký kết hôn đã vô hình chung làm hạn chế quyền đăng ký kết hôn của họ. 

    Vì vậy, mặc dù không bị cấm đăng ký kết hôn nhưng người đang chấp hành hình phạt  tù không thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.

    Có được ly hôn với người đang đi tù không?

    Theo Điều 51 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

    - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

    - Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

    - Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

    Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

    Như vậy, pháp luật về hôn nhân và gia đình không có quy định nào cấm người vợ hoặc chồng ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù.

    Nếu đủ căn cứ về việc có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của người kia làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án có thể xem xét việc ly hôn theo yêu cầu của các bên có quyền.

     
    1196 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận