Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó mặt hàng xăng dự kiến sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường tối đa là 8.000 đồng/lít. Điều này đã gây ra nhiều lo ngại cho người dân cả nước vì động thái này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân. Nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra, trong đó, câu hỏi được khá nhiều người quan tâm đó là: “Tiền thuế bảo vệ môi trường có được dùng để bảo vệ môi trường không?”
Trên quan điểm của mình, mọi người có thắc mắc về vấn đề này là đúng, tuy nhiên, trên nguyên tắc cơ bản thì câu hỏi này sẽ không thể có câu trả lời.
Nguyên nhân là vì thuế không mang tính đối ứng.
Trên tinh thần của pháp luật thì Thuế là một khoản nộp bắt buộc mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước, phát sinh trên cơ sở các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, không mang tính chất đối giá và hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp thuế.
Trên tinh thần này thì Thuế có một đặc tính quan trọng là không mang tính đối giá, có nghĩa là, người dân khi nộp một khoản thuế thì Nhà nước không phải sử dụng khoản tiền thuế này để làm một hoạt động đáp ứng cho một nhu cầu của người nộp. Do đó, khi nộp thuế bảo vệ môi trường, người dân không thể yêu cầu Nhà nước sử dụng 100% khoản tiền đó cho mục đích cải tạo môi trường, mà số tiền đó sẽ được thu về một mối và chi theo các định hướng, kế hoạch đặt ra sao cho phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước. Trái lại, nếu thay vào đó là phí bảo vệ môi trường (được thu trong một số trường hợp, kinh doanh đặc thù) thì khi Nhà nước thu được khoản phí này phải có trách nhiệm dùng nó vào mục đích bảo vệ, cải tạo môi trường.
Đó là bản chất của Thuế Bảo vệ môi trường mà mọi người nên hiểu, từ đó, có cái nhìn đúng đắn về việc tăng Thuế bảo vệ môi trường và những ảnh hưởng của nó. Nếu có, hãy đặt ra những thắc mắc như:
- Tại sao phải tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu?
- Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến đời sống kinh tế?
- Tại sao lại tăng những 8.000 đồng tiền thuế?
- Ai sẽ phải chịu khoản thuế gia tăng này?
Những câu hỏi như thế sẽ thiết thực hơn và mở ra được những hướng giải quyết mới xung quanh vấn đề này, thay vi cứ hỏi một câu hỏi không có lời giải rằng: “Tiền thuế bảo vệ môi trường có được dùng để bảo vệ môi trường không?”