Người dân có được chủ động yêu cầu xét nghiệm máu để đo nồng độ cồn khi bị kiểm tra hay không?

Chủ đề   RSS   
  • #601741 12/04/2023

    MewBumm
    Top 50
    Male
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/09/2017
    Tổng số bài viết (1972)
    Số điểm: 13243
    Cảm ơn: 16
    Được cảm ơn 254 lần


    Người dân có được chủ động yêu cầu xét nghiệm máu để đo nồng độ cồn khi bị kiểm tra hay không?

    Trong quá trình kiểm tra giao thông, người dân bị đo nồng độ cồn. Người dân không đồng ý với với kết quả máy đo nồng độ cồn và yêu cầu được đi xét nghiệm máu. Vậy quy định về xét nghiệm như thế nào?
     
    Hiện nay, việc xét nghiệm thực hiện theo Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Công an ban hành với các nội dung đề cập đến đối tượng, quy trình, chi phí.
     
    Người dân có được yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn trong máu?
     
    Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA thì có 4 nhóm trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu gồm:
     
    - Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông được sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cán bộ Công an) đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu;
     
    - Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ tai nạn giao thông được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu;
     
    - Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu;
     
    - Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
     
    Theo đó, trong 4 trường hợp trên thì không có nội dung nào liên quan đến việc người dân khi bị kiểm tra trong quá trình tham gia giao thông có quyền chủ động xét nghiệm máu nhằm làm căn cứ xác định mức nồng đồ cồn. Tức là cảnh sát giao thông vẫn có quyền sử dụng máy đo thông qua hơi thở, việc xét nghiệm máu chỉ thực hiện theo yêu cầu của cán bộ Công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông khi thấy cần thiết mà thôi.
     
    Khi người dân tự đi xét nghiệm máu không có nồng độ cồn thì có thanh toán chi phí không?
     
    Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA thì việc thanh toán chi phí xét nghiệm khi không vi phạm luật Giao thông đường bộ như sau:
     
    - Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại các khoản 1, 2, 4 Điều 3 Thông tư liên tịch này có thẻ bảo hiểm y tế thì Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí xét nghiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
     
    - Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại các khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này không có thẻ bảo hiểm y tế và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch này có hoặc không có thẻ bảo hiểm y tế thì cơ quan Công an yêu cầu xét nghiệm thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước;
     
    - Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch này không có thẻ bảo hiểm y tế phải thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành của cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
     
    Theo đó, việc thanh toán chi phí xét nghiệm tương ứng với các trường hợp tại Điều 3 Thông tư liên tịch. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần đầu tiên thì Điều 3 không đề cập đến trường hợp người dân chủ động đi xét nghiệm. Do đó, việc người dân chủ động đi xét nghiệm dù cho kết quả không vi phạm nồng độ cồn thì vẫn phải tự chịu chi phí xét nghiệm.
     
    Tuy phải trả chi phí xét nghiệm nhưng người dân có thể sử dụng kết quả này để giải trình với cơ quan công an nhằm xác minh, không phải ra Quyết định xử phạt. Hoặc nếu đã ra Quyết định xử phạt thì người dân có thể khiếu nại Quyết định xử phạt, sử dụng kết quả xét nghiệm nhằm yêu cầu hủy quyết định xử phạt.
     
    939 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận