Hiện nay, người từ đủ 16 cho đến 18 tuổi được điều khiển những phương tiện nào? Việc xử phạt người chưa đủ 16 tuổi vi phạm giao thông được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Người đã đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được chạy những loại xe gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:
“1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
…”
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.
Còn đối với những loại xe có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên thì yêu cầu người điều khiển phương tiện phải từ đủ 18 tuổi trở lên.
(2) Xử phạt người chưa đủ 16 tuổi vi phạm giao thông như thế nào?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe mô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Phạt tiền từ 400 đến 600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên.
- Phạt tiền từ 02 đến 04 triệu đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cả người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng có hành vi vi phạm hành chính do cố ý.
Theo đó, tại Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đối với trường hợp người từ dưới 16 tuổi hay cụ thể hơn là từ đủ 14 đến 16 tuổi thì sẽ không áp dụng hình thức phạt tiền.
Còn đối với trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên.
Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ của người này sẽ phải thực hiện thay.
Theo đó, khi không phạt tiền người chưa thành niên thì sẽ áp dụng Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về phạt cảnh cáo như sau:
Cảnh cáo (bằng văn bản) được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Theo đó, việc xử phạt vi phạm giao thông đối với người dưới 16 tuổi theo quy định như đã nêu trên. Còn đối với người từ đủ 16 đến 18 tuổi vi phạm thì người điều khiển xe chưa đủ tuổi có thể bị phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng. Trường hợp không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ là người phải thực hiện thay.